Giá dầu thô giảm chóng mặt vì thành phố Thượng Hải của Trung Quốc phong toả để chống sự bùng dịch Covid-19, trong khi giá Bitcoin duy trì xu hướng tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 94,65 điểm, tương đương tăng 0,27%, đạt 34.955,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,71%, đạt 4.575,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,31%, đạt 14.354,9 điểm.
Phiên tăng này nối tiếp đà tăng mạnh của chứng khoán Mỹ trong tuần trước, nhờ sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu Tesla dẫn đầu sự phục hồi của nhóm công nghệ trong phiên đầu tuần, tăng 8% sau khi có tin hãng xe điện này đang muốn chia tách cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông.
“Tôi cho rằng bất kỳ ai cũng phải ấn tượng với sự vững vàng gần đây của thị trường”, nhà quản lý danh mục Erin Browne của PIMCO nhận định về đà tăng gần đây của chứng khoán Mỹ, xét tới bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự định thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát và trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm đã tăng vượt lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm, đánh dấu lần đảo ngược đầu tiên của đường cong lợi suất giữa hai kỳ hạn này trong vòng 30 năm trở lại đây. Sự đảo ngược này làm dấy lên mối lo lạm phát. Tuy nhiên, đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm – loại được theo dõi nhiều hơn – vẫn chưa rơi vào trạng thái đảo ngược.
Giá dầu giảm mạnh trong phiên này, kéo cổ phiếu dầu khí như Chevron giảm theo. Chevron chốt phiên với mức giảm 1,74%.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 8,17 USD/thùng, tương đương giảm 6,8%, còn 112,48 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 7,94 USD/thùng, tương đương giảm 7%, còn 105,96 USD/thùng.
Thượng Hải, trung tâm tài chính với 26 triệu dân của Trung Quốc, bắt đầu phong toả theo hai giai đoạn kể từ ngày thứ Hai để chống làn sóng lây nhiễm Covid-19. Diễn biến này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Giá dầu đã biến động mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuần trước, giá dầu Brent tăng gần 12% và giá dầu WTI tăng khoảng 9% sau khi giảm mạnh trong tuần trước đó.
“Mối lo phong toả có thể lan rộng, cùng với việc các nhà đầu cơ dầu giá lên chốt lời, đã khiến giá dầu sụt giảm”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận định.
Theo trưởng phân tích hàng hoá cơ bản của SEB Bank, ông Bjarne Schieldrop, nhu cầu dầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có thể giảm 800.000 thùng/ngày trong tháng 4 so với mức bình thường.
Phiên này, giá dầu còn chính ảnh hưởng bất lợi từ tiến trình đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Vòng đàm phán tiếp theo có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Ba.
Thị trường cũng đang chờ cuộc họp sản lượng vào ngày thứ Năm tuần này của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga. OPEC+ đang tăng sản lượng với tốc độ 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, nhưng giới phân tích cho rằng trong lần họp này, tốc độ tăng sản lượng của nhóm có thể được nâng lên mức 432.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Tuy nhiên, một số nguồn tin thân cận cho biết mặc cho chiến tranh ở Ukraine và những lời kêu gọi tăng sản lượng dầu mạnh hơn từ các nước tiêu thụ dầu lớn, OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng với tốc độ chậm rãi.
Thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt cung dầu. Dầu giao ngay trong tháng 4 của Nga được dự báo sẽ vắng khách mua – theo các nhà phân tích. Trong tháng 3, dòng chảy dầu của Nga ra thị trường toàn cầu không bị ảnh hưởng nhiều vì phần lớn đáp ứng các hợp đồng đã ký từ trước khủng hoảng.
Phát biểu ngày 28/3, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói rằng các nước Đông Nam Á sẽ bù đắp những hợp đồng mua dầu mà Nga bị mất từ các khách hàng khác – thông tấn TASS đưa tin. Một số quốc gia châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đáng mua dầu thô của Nga. Công ty năng lượng quốc doanh PT Pertamina của Indonesia trở thành khách hàng mới nhất tuyên bố sẽ nhập dầu từ Nga.
Nhưng giới phân tích vẫn cho rằng thị trường sẽ cảm nhận rõ ảnh hưởng của xu hướng “né” dầu Nga”.
“Kỳ vọng hiện nay là nguồn cung dầu thô và các sản phẩm liên quan từ Nga sẽ hụt 2,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4”, ông Schieldrop nói.
Trong khi đó, lượng dầu tồn kho tại các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang ở mức thấp nhất kể từ 2014. Mỹ đang cân nhắc có thêm một đợt xả dự trữ dầu chiến lược nhằm kéo giá dầu xuống, nhưng đợt xả này có thể chỉ ở mức hạn chế vì lượng dầu tồn kho của Mỹ đang thấp.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin giữ đà tăng. Lúc hơn 7h sáng nay (29/3) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 47.389 USD, tăng hơn 1% so với cách đó 24 tiếng, nâng mức tăng trong vòng 1 tuần lên gần 16%.
Tuần này, thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Ukraine và bất kỳ phát biểu nào từ các quan chức Fed về vấn đề lãi suất và lạm phát. Trong tuần sẽ có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, bao gồm báo cáo niềm tin tiêu dùng và giá nhà công bố vào ngày thứ Ba, tiếp đến là báo cáo việc làm tháng 3 công bố vào ngày thứ Sáu.