Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/9), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất vào tuần tới. Giá dầu thô đi xuống do hoạt động sản xuất dầu được nối lại trên Vịnh Mexico sau bão Francine, nhưng vẫn có một tuần tăng.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,54%, đạt 5.626,02 điểm. Ở mức điểm này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chỉ còn thấp hơn chưa đầy 1% so với mức cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 7.
Nasdaq tăng 0,65%, đạt 17.683,98 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq đều tăng trong cả 5 phiên giao dịch của tuần này.
Chỉ số Dow Jones tăng 297,01 điểm, tương đương tăng 0,72%, đạt 41.393,78 điểm.
Tiện ích, dịch vụ truyền thông và công nghiệp là những nhóm giữ vai trò dẫn dắt phiên tăng này của thị trường, với mức tăng khoảng 1% được ghi nhận ở mỗi nhóm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tiếp tục mua mạnh các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và cổ phiếu chip - những cái tên đã đóng góp nhiều vào sự phục hồi của toàn thị trường trong tuần này sau khi bị xả nhiều trong thời gian gần đây.
“Nhà đầu tư đang cảnh giác với khả năng xảy ra một đợt biến động mạnh nữa trên thị trường, vì sắp đến cuộc họp của Fed”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định. Bà Krosby lưu ý rằng lịch sử cho thấy, giai đoạn biến động mạnh nhất của chứng khoán Mỹ hàng năm thường xảy ra vào nửa sau của tháng 9.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 4% và Nasdaq tăng 5,9%, đánh dấu tuần tăng tốt nhất từ đầu năm đến nay của mỗi chỉ số. Dow Jones tăng 2,6% trong tuần.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang mong chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào ngày 17-18/9, với kỳ vọng Fed sẽ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong lần họp này bằng một động thái giảm 0,25 điểm phần trăm. Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện đang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 25 năm.
Các số lạm phát trong tuần này cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm, mở đường cho Fed hạ lãi suất. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,36 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 71,61 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,32 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 68,65 USD/thùng.
Cơn bão Francine đã đi qua và hoạt động khai thác, lọc hóa dầu ở khu vực Vịnh Mexico của Mỹ đã được nối lại. Theo chuyên gia Bob Yawger của ngân hàng Mizuho, đến ngày thứ Hai tới, các hoạt động này sẽ trở lại bình thường như cũ, với các nhà máy lọc dầu lại hoạt động với 100% công suất như trước bão.
Trong bối cảnh như vậy, giá dầu có thể sẽ không giữ được thành quả tăng có được trong tuần này do mối lo về ảnh hưởng của bão đối với hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 0,8% và giá dầu WTI tăng khoảng 1,4%.
Phiên ngày thứ Sáu, giá dầu thô còn đương đầu với áp lực giảm từ số liệu hàng tuần cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô và khí đốt của Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm. Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan dầu khí hoạt động ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 13/9 tăng thêm 9 giàn, nhiều nhất kể từ trung tuần tháng 9/2023, đạt con số 590 giàn.
Tuần này, cả Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trên cơ sở mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Việc cập nhật dự báo này đã gây sức ép mất giá lên dầu.