February 23, 2023 | 07:37 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lại trượt dốc sau tin từ Fed, giá dầu “bốc hơi” 3%

Bình Minh -

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp gần nhất cho thấy quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Giá dầu cũng sụt mạnh vì mối lo lãi suất cao có thể cản trở nhu cầu tiêu thụ năng lượng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/2), khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp gần nhất cho thấy quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Giá dầu cũng sụt mạnh vì mối lo lãi suất cao có thể cản trở nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 84,5 điểm, tương đương giảm 0,26%, còn 33.045,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 3.991,05 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,13%, đạt 11.507,07 điểm.

Nội dung biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Fed, diễn ra vào ngày 31/1-1/2, cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này nhất trí tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất. Theo biên bản, lạm phát “vẫn ở mức cao hơn nhiều” so với mục tiêu 2% của Fed và thị trường lao động “vẫn còn thắt chặt, dẫn tới áp lực gia tăng tiếp diễn đối với giá cả và tiền lương”.

“Fed quyết tâm khiến cho thị trường lao động giảm bớt độ nóng, để đảm bảo rằng lạm phát không ăn sâu bám rễ ở mức cao. Đến giữa năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ giảm tốc về dưới lãi suất quỹ liên bang. Nhưng nếu lạm phát còn gây bất ngờ theo hướng tăng lên, hoặc nếu tỷ lệ thất nghiệp còn giảm nữa, Fed có thể tăng lãi suất nhiều hơn dự báo của thị trường”, chuyên gia kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank nhận định với hãng tin CNBC.

Biên bản cuộc họp Fed cũng cho thấy phần đông các thành viên dự họp nhất trí bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng, chỉ một số ít ủng hộ bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc họp Fed, các số liệu thống kê đã cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế và đẩy cao mối lo rằng Fed có thể tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn và duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

“Biên bản này hơi lỗi thời một chút, vì đã có nhiều dữ liệu kinh tế được công bố sau đó. Vì vậy, biên bản cuộc họp lần này không quan trọng như những biên bản trước kia”, nhà quản lý danh mục Moustapha Mounah của James Investments nhận định với hãng tin Reuters.

Áp lực lãi suất cũng là mối lo của các thị trường khác. Chứng khoán châu Âu giảm điểm, với chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực mất 0,33% điểm số. Chỉ số MSCI toàn cầu đo thị trường chứng khoán của 50 quốc gia giảm 0,45%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có lúc tăng lên mức cao nhất 3 tháng, nhưng sau đó giảm trở lại. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở mức 3,9273%, thấp hơn một chút so với phiên trước.

“Thị trường trái phiếu đã phản ánh hết triển vọng lãi suất tăng thêm, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa phản ánh hết kỳ vọng đó”, ông Mounah nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,45 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 80,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,41 USD/thùng, tương đương giảm 3%, còn 74,05 USD/thùng.

Nỗi lo về lãi suất đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây. “Dù các số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn đồng nghĩa với nhu cầu dầu tăng lên, nhưng mối lo ở đây là kinh tế còn mạnh thì Fed buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ thêm nữa để đưa lạm phát về tầm kiểm soát. Điều này hỗ trợ cho đồng USD và không có lợi cho giá dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS lý giải về cú sụt của giá “vàng đen”.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin duy trì xu thế biến động yếu trên mốc 24.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 24.229 USD, giảm gần 0,9% so với cách đó 24 tiếng và giảm hơn 2% so với cách đó 1 tuần.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate