February 22, 2023 | 13:10 GMT+7

Nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, ngành dịch vụ khởi sắc nhất

Ngọc Trang -

Trong tháng 2, hoạt động kinh doanh tại Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh đều có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang phục hồi trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine chuẩn bị bước vào năm thứ hai...

Các doanh nghiệp tại Anh và khu vực Eurozone được hưởng lợi khi nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải tỏa và lạm phát hạ nhiệt - Ảnh: Shutterstock
Các doanh nghiệp tại Anh và khu vực Eurozone được hưởng lợi khi nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải tỏa và lạm phát hạ nhiệt - Ảnh: Shutterstock

Sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, giá năng lượng tăng vọt đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Kinh tế Mỹ thậm chí suy giảm trong nửa đầu năm, còn kinh tế Đức tăng trưởng âm trong quý cuối năm 2022.

Theo Wall Street Journal, các cuộc khảo sát với các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ công bố ngày 21/2 cho thấy vấn đề của chuỗi cung ứng đã được giải tỏa phần nào. Nhiều công ty cho biết giá vật liệu thô và linh kiện đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ mùa thu năm 2020. Tuy nhiên, áp lực tăng lương vẫn còn.

NỖI LO SUY THOÁI KINH TẾ GIẢM BỚT

Khảo sát từ S&P Global cho thấy nhiều dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và điều này có thể giúp làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Những tháng gần đây, niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp đã phục hồi. Thời tiết mùa đông không quá khắc nghiệt ở châu Âu đã giúp giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, góp phần hạ giá năng lượng từ các mức kỷ lục vào mùa hè năm ngoái.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 2,9%, từ mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái - Ảnh: Getty Images
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 2,9%, từ mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái - Ảnh: Getty Images

Dữ liệu gần đây cho thấy từ đầu năm nay, hoạt động kinh tế tại Mỹ tăng mạnh. Trong tháng 1, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 517.000 việc làm mới, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022. Lạm phát hạ nhiệt và tiền lương tăng liên tục đã thúc đẩy thu nhập thực tế của người dân, hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng. Doanh số bán lẻ tháng 1 tại Mỹ cũng tăng 3% so với tháng 12 năm ngoái, chấm dứt chuỗi 2 tháng sụt giảm.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 2,9%, từ mức dự báo 2,7% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Tổ chức này cũng nhận định nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm nhờ triển vọng tươi sáng hơn khi nhu cầu phục hồi, lạm phát hạ nhiệt và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Theo S&P Global, chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ - chỉ số về hoạt động kinh doanh bao gồm hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên 50,2 điểm trong tháng 2. Đây là mức cao nhất trong 8 tháng qua. Chỉ số này ở mức trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng, và ngược lại, dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh.

Trong tháng 2, chỉ số hoạt động dịch vụ của Mỹ đạt mức 50,5 điểm, cũng cao nhất trong vòng 8 tháng, và tăng đáng kể so với mức 48,4 điểm của tháng 1. Còn chỉ số hoạt động sản xuất tăng từ 46,9 điểm của tháng 1 lên 48,4 điểm trong tháng 2, cho thấy lĩnh vực này vẫn đang chứng kiến sự suy giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Nguyên nhân là nhu cầu đang ở mức yếu nên các công ty tập trung xử lý hàng tồn kho trước.

“Tháng 2 đang chứng kiến sự phục hồi đáng hoan nghênh trong hoạt động kinh doanh. Tâm lý kinh doanh đã khởi sắc hơn trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh và rủi ro suy thoái cũng giảm bớt”, ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.

Tại khu vực Eurozone, chỉ số kinh doanh tổng hợp tháng 2 tăng lên 52,2 điểm, cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh từ mức 50,2 điểm của tháng 1. Còn ở Anh, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tăng lên 53 điểm, cao nhất trong vòng 8 tháng, từ mức 48,5 điểm của tháng trước.

“Sự tăng trưởng ở châu Âu được thúc đẩy nhờ niềm tin tăng lên trong khi những lo ngại về suy thoái và lạm phát giảm bớt”, ông Williamson nói.

NGÀNH DỊCH VỤ KHỞI SẮC

Tuy nhiên, theo khảo sát, các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Anh cho biết sẽ tiếp tục tăng giá bán hàng hóa để phản ứng với áp lực tăng lương hiện tại, dù những nút thắt trong chuỗi cung ứng được giải tỏa đã giúp giảm mức tăng chi phí đầu vào.

Tại Mỹ, lạm phát tính theo năm đã hạ nhiệt từ tháng 6 năm ngoái, dù áp lực giá vẫn tăng lên phần nào hàng tháng. Ở châu Âu, giá năng lượng giảm đã giúp giảm đà tăng lạm phát những tháng gần đây. Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ có thể khiến giá cả hàng hóa dịch vụ mất nhiều thời gian hơn để trở lại mức mà các ngân hàng trung ương cảm thấy yên tâm.

Hiện tại, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đều cho biết dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu. Theo các nhà phân tích, lãi suất tăng có thể sẽ tiếp tục gây áp lực với doanh nghiệp và người tiêu dùng và đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm.

Dịch vụ chiếm phần lớn sự tăng lên trong hoạt động kinh tế tại Mỹ của tháng 2. Các doanh nghiệp dịch vụ Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng sản lượng đầu tiên kể từ tháng 6/2020 và tỏ ra lạc quan hơn về tương lai. Trong khi đó, sự tăng trưởng ngành dịch vụ ở châu Âu chủ yếu đến từ hoạt động du lịch và giải trí.

Dịch vụ chiếm phần lớn sự tăng lên trong hoạt động kinh tế tại Mỹ của tháng 2 - Ảnh: Getty Images
Dịch vụ chiếm phần lớn sự tăng lên trong hoạt động kinh tế tại Mỹ của tháng 2 - Ảnh: Getty Images

Ở châu Á, Nhật Bản cũng ghi nhận một số tín hiệu phục hồi nhờ hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục sau khi nước này gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid-19. Điều này thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn chưa có sự phục hồi khi các nhà máy vẫn báo cáo lượng đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Tại Trung Quốc, dữ liệu gần đây cho thấy người tiêu dùng nước này đang ra ngoài mua sắm và tiêu dùng tại các thành phố lớn sau khi Chính phủ gỡ bỏ hạn chế phòng dịch vào cuối năm ngoái. Lạm phát của nước này tăng lên trong tháng 1 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu có xu hướng tăng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate