July 06, 2024 | 08:51 GMT+7

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục sau báo cáo việc làm, giá dầu tăng liền 3 tuần

Bình Minh -

S&P 500 ghi nhận tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây, khi nhà đầu tư lạc quan rằng sự suy yếu của nền kinh tế sẽ dẫn tới việc giảm lãi suất trong năm nay...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/7), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục mới, sau khi báo cáo việc làm củng cố những tia hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp đến lúc bắt đầu cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô giảm nhưng hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tục nhờ kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,54%, đạt 5.567,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 18.352,67 điểm. Cả hai chỉ số này cũng đạt kỷ lục nội phiên và mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy. Đây là lần thứ 34 trong năm nay S&P 500 thiết lập kỷ lục đóng cửa.

Chỉ số Dow Jones tăng 67,87 điểm, tương đương tăng 0,17%, chốt ở mức 39.357,87 điểm.

Phiên tăng này đưa tổng mức tăng của S&P 500 từ đầu năm đến nay lên 16,7%. Tuần này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng thứ tư trong vòng 5 tuần trở lại đây, khi nhà đầu tư lạc quan rằng sự suy yếu của nền kinh tế sẽ dẫn tới việc giảm lãi suất trong năm nay. Về phần mình, Nasdaq đã tăng 22,3% từ đầu năm.

Bản báo cáo mà nhà đầu tư đã thấp thỏm chờ đợi trong tuần này từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có 206.000 công việc mới trong tháng 6, nhiều hơn con số 200.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, nhưng ít hơn con số điều chỉnh giảm 218.000 công việc mới của tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,1%, thay vì đi ngang ở mức 4% như dự báo của các nhà kinh tế.

Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,3% trong tháng 6 so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đều là những con số phù hợp với dự báo.

Giới đầu tư kỳ vọng rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng rốt cục sẽ thúc đẩy Fed tiến tới giảm lãi suất trong năm nay. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 77% Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, tăng từ mức 64% cách đây 1 tuần.

“Một mặt, số liệu việc làm mới của tháng 5 được điều chỉnh giảm và tỷ lệ thất nghiệp của tháng 6 tăng lên đã làm gia tăng khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9. Thị trường trái phiếu chắc chắn đang ăn mừng vì điều này. Nhưng mặt khác, cũng chính những số liệu đó mang tới những lo ngại về hướng đi của nền kinh tế Mỹ. Các báo cáo thông kê gần đây cho thấy nền kinh tế đang suy yếu, và báo cáo việc làm ngày hôm nay là một sự bổ sung cho bức tranh đó”, chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty quản lý tài sản Principal Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.

Ở một góc nhìn có phần lạc quan hơn, Giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist Advisory Services nhận định với hãng tin Reuters: “Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ bây giờ đang giảm nhiệt chứ không yếu ớt. Tỷ lệ thất nghiệp hơn 4% sẽ thu hút sự chú ý của Fed và có thể mang lại cho Fed sự linh hoạt để bắt đầu giảm lãi suất, có lẽ vào tháng 9”.

Cổ phiếu Tesla tăng hơn 2%, nâng tổng mức tăng trong tuần này lên 27%. Cổ phiếu Apple tăng hơn 2%, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Cổ phiếu Nvidia giảm 2% sau khi bị một công ty phân tích giảm khuyến nghị nắm giữ vì cho rằng dư địa tăng của cổ phiếu này là hạn chế. Dù vậy, Nvidia vẫn tăng khoảng 1,9% trong tuần này.

Tính cả tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng, với Nasdaq tăng 3,5%; S&P 600 tăng gần 2% và Dow Jones tăng 0,7%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại New York giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 0,86%, chốt ở mức 83,16 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9 tại London giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,02%, còn 86,54 USD/thùng.

Tuần này, giá dầu WTI tăng 2% và giá dầu Brent tăng 0,15%. Trong phiên ngày thứ Sáu, có thời điểm giá dầu WTI đạt mức cao nhất 2 tháng.

Giới phân tích đang dự báo thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ thắt chặt trong quý 3 năm nay do nhu cầu tiêu thụ dầu trong mùa hè tăng lên. Số liệu thống kê của Mỹ có vẻ củng cố dự báo này, cho thấy lượng tồn trữ dầu thô thương mại của nước này giảm 12,2 triệu thùng và tồn trữ xăng giảm 2,2 triệu thùng trong tuần trước.

“Với mức tồn trữ xăng dầu bắt đầu giảm xuống do nhu cầu vững và tăng trưởng nguồn cung chậm lại, nhà đầu tư bắt đầu tăng nắm giữ các hợp đồng dầu giá lên”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định trong một báo cáo.

UBS dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn xu hướng tăng dài hạn 1,2 triệu thùng/ngày. Nhà băng Thụy Sỹ này nhận định lượng dầu tồn trữ sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới do OPEC+ duy trì các kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu cho tới qua tháng 9.

“Như vậy, chúng tôi tin rằng giá dầu Brent sẽ đạt mức 90 USD/thùng trong quý 3 này”, ông Staunovo nói.

Ngân hàng JPMorgan Chase cũng dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức 90 USD/thùng trong tháng 8 hoặc tháng 9.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng 16,1% và giá dầu Brent tăng 12,3%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate