January 13, 2024 | 08:47 GMT+7

Chứng khoán Mỹ loay hoay tìm hướng, giá dầu tăng vọt rồi lại giảm

Bình Minh -

Sau đợt tăng mạnh vào cuối năm ngoái, chứng khoán Mỹ đã chuyển sang trạng thái giằng co không rõ xu hướng trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/1) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư đón nhận thêm một thống kê lạm phát và loạt báo cáo tài chính đầu tiên trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2023. Giá dầu thô tăng mạnh sau khi Mỹ tiến hành tấn công quân sự nhằm vào phiến quân Houthi, nhưng không giữ được toàn bộ thành quả tăng cho tới cuối phiên.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 118,04 điểm, tương đương giảm 0,31%, còn 37.592,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,08%, đạt 4.783,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,02%, chốt ở 14.972,76 điểm.

Cổ phiếu y tế UnitedHealth là nguyên nhân chính khiến Dow Jones giảm điểm phiên này, do giảm gần 3,4% dù công ty công bố lợi nhuận và doanh thu quý 4 cao hơn kỳ vọng. Cổ phiếu hàng không Delta Air Lines cũng gây áp lực mất điểm lên Dow Jones, khi giảm gần 9% dù hãng đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

Nhóm doanh nghiệp niêm yết lớn nhất khởi động mùa báo cáo tài chính là các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu của các nhà băng này đa phần chốt phiên trong sắc đỏ. Bank of America giảm 1,1% sau khi công bố lợi nhuận quý 4 đi xuống; Wells Fargo giảm 3,3% dù lợi nhuận cao hơn dự báo; JPMorgan Chase tụt 0,7% do lợi nhuận giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Citigroup tăng 1% sau khi công bố kế hoạch giảm 10% nhân sự để tiết kiệm chi phí sau khoản lỗ 1,8 tỷ USD trong quý trước.

Sau đợt tăng mạnh vào cuối năm ngoái, chứng khoán Mỹ đã chuyển sang trạng thái giằng co không rõ xu hướng trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024. Giới phân tích cho rằng nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn, muốn có thêm các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ để định hình kỳ vọng về lãi suất, cũng như chờ các công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính.

“Thị trường đang có vẻ đảo ngược một phần xu hướng tăng trong quý 4 năm ngoái. Tôi cho rằng nhà đầu tư đang giữ tâm lý ‘chờ xem’ về lạm phát và mùa báo cáo tài chính này. Cũng như bất kỳ một năm nào khác, một nhân tố quan trọng chi phối thị trường năm nay sẽ là tăng trưởng lợi nhuận và định giá cổ phiếu”, chiến lược gia Mona Mahajan của Edward Jones nhận định với hãng tin CNB.

Báo cáo lạm phát mới nhất mang lại cho nhà đầu tư vài tia hy vọng mới về giảm lãi suất. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 12. Số liệu này được đưa ra sau một báo cáo lạm phát khác công bố hôm thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nóng hơn dự báo, với mức tăng 0,3% trong tháng 12 và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Số liệu PPI xác nhận rằng việc CPI tăng trong tháng 12 có thể chỉ là nhất thời. Con đường để Fed bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay vẫn đang trở nên thuận lợi hơn”, nhà kinh tế trưởng Bill Adams của Comerica Bank nói với CNBC.

Đặt cược vào một động thái giảm lãi suất ít nhất 0,25% của Fed trong tháng 3 đã tăng mạnh sau khi báo cáo PPI Mỹ được công bố. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, đặt cược vào khả năng này đã tăng lên mức 79,5%, từ mức dưới 70% của phiên trước.

Ngoài ra, triển vọng hạ lãi suất được cải thiện cũng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, dù nhiều quan chức Fed gần đây đã có những phát biểu nhằm đẩy lùi kỳ vọng của thị trường viề việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

“PPI nói lên một câu chuyện có phần hơi khác so với CPI. Dữ liệu này làm gia tăng khả năng Fed có được một vị thế tự do và chắc chắn để đưa ra quyết định giảm lãi suất”, chiến lược gia Michael Green của công ty Simplify Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng trong tuần này: Dow Jones tăng 0,34%; S&P 500 tăng 1,84%; và Nasdaq tăng 3,09%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,88 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở mức 78,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 72,68 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá dầu Brent tăng hơm 3 USD/thùng, vượt qua mốc 80 USD/thùng, cao nhất từ đầu năm. Giá dầu WTI cũng có lúc vượt 75 USD/thùng, cao nhất từ đầu năm.

Dầu tăng giá sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích và tấn công trên biển nhằm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen. Các cuộc tấn công này là sự đáp trả đối với việc Houthi - lực lượng có sự hậu thuẫn của Iran - trong những tháng gần đây liên tục tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ.

Nhiều hãng vận tải biển đã phải thay đổi hải trình để tránh phải đi qua Biển Đỏ. Việc chuyển hướng này được cho là sẽ làm gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển dầu, nhưng nguồn cung dầu đến hiện tại vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Trong tuần này, giá dầu tiếp tục đương đầu với áp lực giảm giá từ mối lo thừa cung, thiếu cầu. Thống kê của Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này tăng mạnh - một dấu hiệu của sự dư thừa nguồn cung. Saudi Arabia bất ngờ cắt giảm giá bán dầu cho khách châu Á - động thái được cho là tín hiệu của sự suy giảm nhu cầu.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,5% và giá dầu WTI giảm 1,1%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate