Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/8), cho thấy nỗ lực nhằm phục hồi hoàn toàn sau đợt bán tháo gần đây là một việc không dễ dàng. Trong khi đó, giá dầu thô tăng hơn 2% do số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm mạnh và căng thẳng tiếp tục nóng lên ở Trung Đông, đồng thời bất chấp mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu ở Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 234,21 điểm, tương đương giảm 0,6%, còn 38.763,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,77%, còn 5.199,5 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,05%, còn 16.195,81 điểm.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall đã trải qua một phiên giao dịch giằng co, với Dow Jones có thời điểm tăng 480,3 điểm, S&P 500 có lúc tăng 1,73%, và Nasdaq lập đỉnh của phiên với mức tăng 2%.
Nhưng đến buổi chiều, khi các dòng vốn dịch chuyển khỏi cổ phiếu chip Nvidia và các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác, các chỉ số quay đầu sụt giảm và chốt phiên trong sắc đỏ. Nvidia giảm 5,1% trong phiên này, cổ phiếu xe điện Tesla giảm 4,4%, và Meta Platforms - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - chứng kiến giá cổ phiếu tụt 1%.
Với mối lo kinh tế Mỹ suy thoái không còn căng thẳng như mấy ngày trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng, chốt phiên ở mức 3,95%. Ở mức này, lợi suất của kỳ hạn 10 năm đã quay trở về mức trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào hôm thứ Sáu tuần trước - điểm dữ liệu yếu hơn dự báo và làm dấy lên mối lo suy thoái kinh tế.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall dừng ở mức 28 điểm vào cuối phiên, sau khi giảm tới 22 điểm vào đầu phiên. Hôm thứ Hai, chỉ số tăng vọt lên 65 điểm. VIX giảm cho thấy tâm trạng hoảng sợ của nhà đầu tư đã lắng dịu, nhưng mức điểm của chỉ số này hiện vẫn cao so với ở thời điểm đầu tháng.
“Trong hai ngày qua, đã xuất hiện một sự bảo đảm rằng mọi thứ đang ổn định trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố khó lường đón đợi ở phía trước, chẳng hạn giao dịch carry-trade đồng yên tiếp tục đảo ngược, hoặc những bất ổn địa chính trị”, chiến lược gia trưởng Charlie Ripley của công ty Allianz Investment Management nhận định với hãng tin CNBC.
Đồng yên Nhật tiếp tục giảm giá so với USD phiên này, xoa dịu mối lo về sự phục hồi mạnh của đồng tiền này - nguyên nhân khiến giới đầu tư toàn cầu gần đây ồ ạt rút khỏi carry-trade, dẫn tới bán tháo các tài sản khác. USD tăng giá 1,75% so với yên, đạt 146,83 yên đổi 1 USD vào cuối phiên.
Trong một động thái nhằm trấn an nhà đầu tư, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Shinichi Uchida nói BOJ sẽ không tăng lãi suất thêm trong lúc thị trường tài chính còn chưa ổn định. Tuyên bố này là một nguyên nhân khiến đồng yên có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi tăng không nghỉ từ đầu tháng.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng tiếp tục hồi phục trong phiên ngày thứ Tư, sau phiên bán tháo lịch sử vào hôm thứ Hai. Chỉ số Nikkei 225 chốt phiên với mức tăng 1%, sau khi tăng hơn 10% vào hôm thứ Ba và giảm 12,4% vào hôm thứ Hai.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,85 USD/thùng, tương đương tăng 2,42%, chốt ở mức 78,33 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,03 USD/thùng, tương đương tăng 2,77%, chốt ở 75,23 USD/thùng.
Dầu tăng giá sau khi báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp, với mức giảm 3,7 triệu thùng còn 429,3 triệu thùng trong tuần trước. Mức giảm này vượt xa dự báo giảm 700.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
“Câu chuyện ở đây là nhu cầu dầu đang mạnh hơn những gì mọi người tưởng và nguồn cung nói chung đang thắt lại. Nguồn cung dầu đang thấp hơn mức bình quân của thời gian này hàng năm”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group phát biểu.
Hôm thứ Hai, giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 và giá dầu WTI thấp nhất kể từ tháng 2. Ngày thứ Ba, giá “vàng đen” tăng trở lại, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.
Căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục khiến thị trường dầu lo ngại về nguồn cung. Khu vực này đang đối mặt khả năng xảy ra hàng loạt cuộc tấn công mới của Iran và đồng minh nhằm trả đũa việc một số thủ lĩnh của phiến quân Hamas và Hezbollah thiệt mạng gần đây. Các cuộc tấn công như vậy có thể khiến xung đột ở dải Gaza lan rộng thành một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông.
“Bất kỳ sự leo thang xung đột nào ở Trung Đông cũng có thể dẫn tới rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này”, nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu áp lực giảm từ triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy nhập khẩu dầu thô bình quân hàng ngày của nước này trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.