Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch nhiều giằng co ngày thứ Năm (18/8), khi mối lo về lãi suất tăng tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Giá dầu có một phiên tăng 3% nhờ những dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, bất chấp việc thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái toàn cầu.
Thời gian gần đây, mức độ biến động của thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu có chiều hướng tăng vì mối lo suy thoái bị đẩy cao. Trong biên bản cuộc họp tháng 7 công bố hôm thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, nhưng cũng phát tín hiệu rằng họ sẽ bớt cứng rắn một khi lạm phát thực sự bắt đầu xuống thang.
Fed sẽ bớt cứng rắn hay giữ nguyên sự cứng rắn là câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với các nhà đầu tư lúc này. “Thị trường đang cố gắng phân tích biên bản cuộc họp của Fed”, và điều đó đã gây ra sự biến động - Giám đốc đầu tư Charles Self của Tandem Wealth Advisors nhận định với hãng tin Reuters.
“Theo quan điểm của chúng tôi, biên bản cuộc họp của Fed thể hiện sự cứng rắn. Rõ ràng, tất cả các thành viên có quyền bỏ phiếu trong Fed đều xem chống lạm phát là lựa chọn số 1 và họ sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết trong vấn đề tăng lãi suất để đạt tới mục tiêu đó. Chúng tôi nghĩ họ sẽ xem sức mạnh của thị trường lao động là cơ sở cho sự cứng rắn đó”, ông Self nói thêm.
Chỉ số MSCI All Country World Index, một chỉ số đo thị trường chứng khoán toàn cầu với sự tham gia của 50 quốc gia, chốt phiên với mức tăng 0,05%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,39%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ trong lúc nhà đầu tư nghiền ngẫm về biên bản cuộc họp Fed. Một loạt quan chức Fed gồm Chủ tịch chi nhánh St Louis James Bullard và Chủ tịch chi nhánh San Francisco Mary Daly cùng tái khẳng định quan điểm rằng Fed cần duy trì việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 2,8859% từ mức 2,895% trong phiên trước. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm còn 3,2057% từ 3,295%. Đường cong lợi suất giữa hai kỳ hạn này vẫn đang trong trạng thái đảo ngược - một chỉ báo cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra.
“Từ cuộc họp hôm 26-27/7 của Fed, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng 0,43 điểm phần trăm, đồng nghĩa thị trường trái phiếu cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên cao hơn trong thời gian dài hơn. Thị trường chứng khoán từ đó cũng đã tăng 5%, đồng nghĩa với việc thị trường nghĩ rằng Fed sẽ tăng lãi suất tương đối nhanh và có thể bắt đầu giảm lãi suất từ năm tới”, ông Self nhận định. “Tôi cho rằng thị trường trái phiếu luôn đúng”.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm vào đầu phiên, nhưng cuối cùng chốt phiên trong trạng thái xanh. Động lực để thị trường tăng điểm vào cuối phiên là dự báo doanh thu khả quan của hãng công nghệ Cisco Systems giúp kéo nhóm năng lượng đi lên. Cổ phiếu công nghiệp và năng lượng cũng là những nhóm trụ cột của phiên này.
Chỉ số Dow Jones tăng 0,06%, chốt ở 33.999,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,23%, dạt 4.283,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,21%, đạt 12.965,34 điểm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,09%, chốt ở 96,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,7%, chốt ở 90,5 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm mạnh. Báo cáo hàng tuần của Mỹ công bố hôm thứ Năm cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu phiên này.
Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Chưa kể, giá dầu còn đang chịu áp lực giảm từ việc đồng USD tăng giá trở lại. Phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng. Khả năng Iran và phương Tây khôi phục thoả thuận hạt nhân cũng gây áp lực giảm giá lên dầu.
“Giá dầu tăng phiên này nhờ những dữ liệu khả quan về kinh tế Mỹ, dẫn tới sự lạc quan về triển vọng nhu cầu cầu thụ năng lượng”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét. Ông Moya cũng nhấn mạnh rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ không cho phép giá dầu giảm thêm nhiều sau đợt giảm gần đây.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Tổng thư ký mới của OPEC Haitham Al Ghais nói rằng các nhà hoạch định chính sách, nghị sỹ và sự thiếu đầu tư vào ngành dầu khí là những nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao chứ không phải do OPEC.
Ông Al Ghais cũng nói rằng trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, OPEC+ “có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết. Chúng tôi cũng có thể tăng sản lượng nếu cần thiết… Quyết định sẽ tuỳ thuộc vào tình hình”.
OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga.