Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/5), khi hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng thiết lập một mức đáy mới của năm 2022 rồi đóng cửa trong trạng thái tăng. Giá dầu cũng tăng do mối lo thiếu cung tiếp tục phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư.
Chốt phiên, Nasdaq tăng 1,63%, đạt 12.536,02 điểm. S&P 500 tăng 0,57%, đạt 4.155,38 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 84,29 điểm, tương đương tăng 0,26%, đạt 33.061,5 điểm. Ở đáy của phiên giao dịch, Dow Jones giảm hơn 500 điểm.
Phiên giao dịch đầy biến động này diễn ra sau khi Phố Wall đã trải qua tháng 4 sóng gió. Cả Dow Jones và S&P 500 cùng có tháng giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu. Nasdaq thậm chí có tháng giảm sâu nhất kể từ năm 2008.
Giám đốc đầu tư (CIO) David Katz của Matrix Asset Advisors nói với hãng tin CNBC rằng thị trường đã ở trong tâm trạng lo lắng quá đà về một sự giảm tốc kinh tế và giờ là lúc nhiều nhà đầu tư nhảy vào bắt đáy. “Nhà đầu tư giờ đã có thể mua cổ phiếu của những công ty tốt với mức giá rất hấp dẫn. Lịch sử cho thấy đây là thời điểm rất tốt để đổ tiền vào thị trường”, ông Katz nói.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia khác cảnh báo về khả năng đây chỉ là một đợt tăng ngắn và không bền vững, nhấn mạnh rằng những mức đáy mới sẽ là tín hiệu cho thấy thị trường có thể giảm sâu hơn.
“Tâm lý trên thị trường đang tiêu cực, nhưng chưa xảy ra tình trạng ‘xả lũ’. Nếu những mức đáy hiện tại bị xuyên thủng, nỗi sợ trên thị trường sẽ bị đẩy cao hơn và sẽ có thêm những ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật nữa được kích hoạt”, CEO Keith Lerner của Truist Advisory Services nhận định. “Tôi cho rằng vùng đáy hiện tại phải bị phá vỡ, thì mức đáy mới bền vững hơn mới được thiết lập”.
Sau khi bị bán tháo mạnh mẽ trong tháng 4, cổ phiếu công nghệ dẫn đầu sự phục hồi của thị trường trong phiên ngày thứ Hai. Netflix và Meta tăng tương ứng 4,8% và 5,3%. Microsoft và Alphabet cùng tăng hơn 2% mỗi cổ phiếu. Apple và Amazon đóng cửa với mức tăng gần 1% dù “đỏ” trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch.
Cổ phiếu bán dẫn và năng lượng là hai trụ cột khác của thị trường trong phiên này. Intel và Chevron tăng tương ứng 3,1% và 2%, hỗ trợ mạnh cho Dow Jones.
Biến động trên thị trường trái phiếu là một nguyên nhân đóng góp vào biến động giá cổ phiếu trong phiên đầu tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt 3% kể từ năm 2018.
“3% là một mốc rất quan trọng. Đó là ngưỡng tâm lý khiến mọi người lo ngại về các động thái của Fed”, chuyên gia Matt Maley của Miller Tabak phát biểu.
Nhà đầu tư đang chờ kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào ngày thứ Tư. Sau tuyên bố của Fed vào rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam sẽ là một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Với lạm phát đang ở mức rất cao và tăng trưởng lợi nhuận yếu đi nhiều, cổ phiếu không còn là một kênh đầu tư chống lạm phát như mong muốn của nhiều nhà đầu tư”, chiến lược gia Michael Wilson của Morgan Stanley nhận định.
Ngoài kết quả cuộc họp của Fed, một tâm điểm chú ý khác của nhà đầu tư trong tuần này là báo cáo việc làm tháng 4 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,44 USD/thùng, chốt ở 107,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng 0,46%, chốt ở 105,17 USD/thùng.
Tương tự như chứng khoán Mỹ, giá dầu cũng đã giảm trong phần lớn thời gian của phiên này trước khi chuyển “xanh” vào cuối phiên vì mối lo nguồn cung dầu sẽ thắt chặt thêm nếu Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu thô Nga.
Đầu phiên, giá dầu giảm hơn 2 USD/thùng sau khi có tin Uỷ ban châu Âu (EC) có thể để Hungary và Slovakia nằm ngoài lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga, nhằm để các nước này có đủ thời gian tìm kiếm nguồn cung thay thế cho dầu Nga. Nhưng sau đó, mối lo về sự thiếu cung dầu đã nhanh chóng quay trở lại chi phối diễn biến của phiên giao dịch.
Sau các cuộc thảo luận của EC với các nước thành viên EU vào cuối tuần vừa rồi, hai nhà ngoại giao EU tiết lộ rằng khối này đang tiến tới cấm vận dầu Nga từ cuối năm nay. Năm 2020, Nga xuất khẩu khoảng 4,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, và một nửa số này là xuất khẩu sang EU. Nhập khẩu dầu từ Nga chiếm khoảng 1/4 tổng nhập khẩu dầu của EU.
Trong khi các nước châu Âu hạn chế mua dầu Nga nhằm đáp trả của chiến tranh Nga-Ukraine, ảnh hưởng của việc này đối với nguồn cung dầu toàn cầu đã được giảm bớt phần nào khi Ấn Độ nhảy vào mua dầu thô Nga đã giảm giá sâu.
Hiện tại, khả năng tăng giá của dầu cũng bị hạn chế bởi ảnh hưởng của đợt bùng dịch Covid-19 đối với kinh tế Trung Quốc. Số liệu công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 do phong toả chống Covid.