Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 28/4, GDP 3 tháng đầu năm của nước này giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2020 và gây đảo lộn khắp thế giới.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế không xem báo cáo này là một lý do để hoảng hốt. Họ nói rằng bức tranh kinh tế Mỹ nhìn từ số liệu GDP đã bị bóp méo bởi một số nhân tố, trong đó phải kể đến mức thâm hụt thương mại khổng lồ do gián đoạn nguồn cung. Nhân tố này được cho là đã che khuất sức khoẻ thực sự của nền kinh tế.
“GDP sụt giảm là điều gây bất ngờ, nhưng không phải là một con số thực chất”, nhà phân tích Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định với trang CNN Business. “Nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với tốc độ đủ để kéo tỷ lệ thất nghiệp giảm sâu hơn”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas của RSM, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng dương trở lại trong quý 2 năm nay. “Chắc chắn là như vậy”, ông Brusuelas nói chắc nịch.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics cũng cho rằng sự suy giảm GDP quý 1 “chỉ là tiếng ồn, không phải tín hiệu” và “nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái”.
Dù số liệu GDP tổng thể u ám, bị che giấu phía sau đó là những điểm sáng của nền kinh tế. Tiêu dùng - trụ cột chính của kinh tế Mỹ - tăng tốc trong 2 tháng đầu năm. Chi tiêu dùng cá nhân tăng 2,7%, so với mức tăng 2,5% ghi nhận trong quý 4/2021.
Các công ty cũng đẩy mạnh đầu tư vào nhà máy, trang thiết bị và phần mềm nhằm tăng cường năng suất và sản lượng. Đầu tư doanh nghiệp tăng 9,2% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng chỉ 2,9% trong quý 4.
“Dù GDP giảm trong quý 1, nền kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái. Nhu cầu trong nền kinh tế vẫn mạnh và thị trường lao động đang ở trong một trạng thái tuyệt vời. Tăng trưởng sẽ được nối lại trong quý 2”, chuyên gia kinh tế trưởng Gus Faucher của PNC phát biểu.
Như đã nói ở trên, thâm hụt thương mại đã bóp méo bức tranh kinh tế Mỹ. Nhập khẩu tăng vọt trong quý 1 do nguồn cung tại Mỹ không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ. Thâm hụt thương mại lớn chưa từng thấy khiến cho mức tăng trưởng GDP giảm đi 2,5 điểm phần trăm.
Điều này có nghĩa là nhập khẩu tăng chiếm hơn một nửa mức suy giảm GDP của Mỹ, một báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ, và nói thêm rằng điều này “có thể phản ánh nhu cầu mạnh của thị trường nội địa” cũng như việc các nhà nhập khẩu gom mua hàng vì lo ngại chiến tranh Nga-Ukraine.
Ngoài thâm hụt thương mại, GDP quý 1 của Mỹ còn chịu áp lực từ đại dịch, khi làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, trong khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong đại dịch đã kết thúc.
“Tôi không lo về suy thoái”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngày 28/4 sau khi báo cáo GDP được công bố. “Trong quý vừa rồi, tiêu dùng đầu tư doanh nghiệp, và đầu tư xây dựng nhà ở đều tăng mạnh… Tôi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ găng trưởng mạnh, cho dù Mỹ bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố bất lợi như Covid”.
Kinh tế Mỹ được cho là sẽ không sớm rơi vào một cuộc suy thoái, nhưng rủi ro suy thoái trong tương lai đang tăng lên. Nhiều chuyên gia đã dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2023 hoặc 2024.
Vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ hiện nay là lạm phát đang rất cao, đặt ra khả năng nền kinh tế tăng trưởng bùng nổ rồi “xì hơi”. Tệ hơn, triển vọng xuống thang của lạm phát trở nên mờ mịt vì phong toả chống Covid ở Trung Quốc và chiến tranh ở Ukraine.
Lạm phát cao đang buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, điều mà ngân hàng trung ương này chưa từng làm kể từ năm 2000. Nếu Fed mạnh tay quá mức trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, nền kinh tế có thể sụt tốc, thậm chí rơi vào suy thoái.