Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/10), với chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng trở lại đây, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.
Giá dầu thô giảm khoảng 1 USD mỗi thùng khi có thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng và thị trường chờ những thông tin mới về tình hình Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 mất 0,92%, còn 5.797,42 điểm. Chỉ số Dow Jones tụt 409,94 điểm, tương đương giảm 0,96%, còn 42.514,95 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9. Chỉ số Nasdaq trượt 1,6%, còn 18.276,65 điểm.
Đến phiên này, cả Dow Jones và S&P 500 đều đã giảm phiên thứ ba liên tiếp. Nguồn áp lực giảm đối với thị trường những ngày gần đây chủ yếu đến từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Vào đỉnh điểm của phiên ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,25%, đạt mức cao nhất kể từ hôm 26/7. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục tăng trong khoảng 1 tháng trở lại đây, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Một số phân tích cho rằng các số liệu thống kê gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vững vàng là nguyên nhân chính khiến lợi suất trái phiếu tăng, vì nền kinh tế còn mạnh đồng nghĩa Fed sẽ phải giảm bớt tốc độ hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng lợi suất trái phiếu tăng do khả năng cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử, bởi các chính sách của ông Trump có thể khiến cho thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh hơn so với trong trường hợp bà Harris trúng cử.
“Đối với tôi, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn. Thị trường đang đánh giá lại khả năng Fed giảm lãi suất quyết liệt. Trong nền kinh tế, có những khu vực còn chưa cảm nhận được ảnh hưởng của chu kỳ tăng lãi suất. Nhưng nếu lãi suất cao hơn lâu hơn, những khu vực khác của nền kinh tế sẽ phải điều chỉnh lại theo thực tế đó… và toàn bộ nền kinh tế sẽ mất cân bằng”, Giám đốc đầu tư Brent Schutte của công ty Northwestern Mutual Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Theo ông Schutte, bộ phận đang được định giá cao quá mức trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay là các cổ phiếu vốn hóa lớn. Ông tin rằng thị trường đang đối mặt khả năng điều chỉnh giảm trong ngắn hạn bởi rủi ro suy thoái kinh tế vẫn còn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,08 USD/thùng, tương đương giảm 1,42%, chốt ở mức 74,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,79 USD/thùng, tương đương giảm 1,35%, còn 70,77 USD/thùng.
Giá dầu giảm sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 18/10 tăng 5,5 triệu thùng, đạt 426 triệu thùng. Mức tăng này vượt xa dự báo tăng 270.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Dù giảm phiên này, giá dầu vẫn tăng 2% từ đầu tuần đến nay do thị trường lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Tuần trước, giá dầu giảm hơn 7% do mối lo về triển vọng tiêu thụ dầu ảm đạm ở Trung Quốc.
Gây áp lực giảm giá lên dầu trong phiên ngày thứ Tư còn là tỷ giá đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7. Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi sức nóng của xung đột ở Trung Đông.
“Thị trường tiếp tục chờ phản ứng của Israel với cuộc tấn công tên lửa gần đây của Iran”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định, nhấn mạnh rằng chuyến công du mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Israel không mang lại kết quả cụ thể nào.
Ngày thứ Tư, ông Blinken đã có những nỗ lực nhằm giảm bớt các cuộc giao tranh giữa lực lượng của Israel và các nhóm phiến quân Hamas và Hezbollah. Tuy nhiên, Israel vẫn tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhằm vào thành phố cảng Tyre của Lebanon.
“Thị trường dầu đang phản ánh khả năng xung đột ở Trung Đông kéo dài hơn. Một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng có thể gặp trở ngại”, chiến lược gia Yeap Jung Rong của công ty IG nói với Reuters.