November 25, 2023 | 08:20 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng 4 tuần liên tiếp, giá dầu đợi cuộc họp OPEC+

Bình Minh -

Động lực tăng của giá cổ phiếu ở Phố Wall gần đây là kỳ vọng rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đạt đỉnh...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/11), hoàn tất tuần tăng thứ tư liên tiếp nhờ kỳ vọng rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đạt đỉnh. Giá dầu thô giảm trong lúc nhà đầu tư chờ cuộc họp bị hoãn của OPEC+, nhưng cũng có một tuần đi lên.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 117,12 điểm, tương đương tăng 0,33%, đạt 35.3901,5 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,06%, chốt ở mức 4.559,34 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,11%, còn 14.250,85 điểm.

Các sàn giao dịch ở Mỹ đã đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm và rút ngắn thời gian giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu. Mùa mua sắm cuối năm đã khởi động với sự kiện Thứ Sáu đen (Black Friday), nên các cổ phiếu bán lẻ trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, các cổ phiếu bán lẻ lớn tăng khá dè dặt trong phiên này: Walmart tăng 0,9%; Target tăng 0,74%; và Amazon tăng 0,02%.

“Dựa trên quan sát, chúng tôi dự báo lượng khách đi mua sắm không tăng trong dịp Black Friday này, vì người tiêu dùng đã trở nên cẩn trọng hơn với ngân sách của mình. Họ sẽ ưu tiên mua quà tăng người khác thay vì tự thưởng cho bản thân”, chuyên gia Oliver Chan của công ty phân tích bán lẻ TD Cowen nhận định trong một báo cáo.

Tính cả tuần, Dow Jones tăng 1,27%; S&P 500 tăng 1%; và Nasdaq tăng 0,89%. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số, và là chuỗi tuần tăng dài nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 6. Đối với Dow Jones, đây là tuần tăng dài nhất kể từ tháng 4.

Xu hướng tăng của thị trường được duy trì khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng trong tuần này dựa trên hy vọng rằng lạm phát đang địu di và Fed có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm cơ bản trong phiên ngày thứ Sáu, đạt 4,476%. Tuần này, có lúc lợi suất của kỳ hạn này giảm dưới 4,4%, từ mức hơn 5% vào đầu tháng.

“Kỳ vọng của thị trường về sự biến động của lãi suất đang tiếp tục giảm xuống. Điều này cho thấy thị trường đã đi đến ý tưởng rằng mức lãi suất 4-5% là mức phù hợp cho năm 2024 và đó là mức mà giá cổ phiếu có thể chịu được”, giám đốc đầu tư Scott Ladner của công ty Horizon Investments nhận định.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,84 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 80,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,56 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 75,54 USD/thùng.

Dầu tụt giá sau khi có tin nhóm con tin người Israel đầu tiên được Hamas phóng thích theo thoả thuận trao đổi con tin đã về tới nhà. Ngày thứ Sáu cũng là ngày đầu tiên trong thoả thuận ngừng bắn dự kiến kéo dài 4 ngày - một diễn biến xuống thang của cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 2 tháng ở dải Gaza. Những thông tin này làm giảm bớt phần bù rủi ro địa chính trị của giá dầu, khiến giá dầu sụt giảm.

Tuy nhiên, giá dầu có tuần tăng đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp vì nhà đầu tư cho rằng OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn để vực dậy giá dầu. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (26/11), nhưng sau đó đã bị hoãn đến ngày thứ Năm. Việc trì hoãn này được cho là để các nước thành viên trong liên minh thảo luận thêm để đạt tới một sự đồng thuận về sản lượng.

“Nhiều khả năng cuộc họp sẽ đi đến thoả thuận kéo dài cắt giảm sản lượng”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nói với hãng tin Reuters.

“Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi có một số thông tin rò rỉ hay phát biểu vào cuối tuần này gây ảnh hưởng tới giá dầu trong tuần tới”, nhà phân tích Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Một nguồn lực hỗ trợ đối với giá dầu đang đến từ triển vọng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc. Việc Chính phủ nước này lên kế hoạch giải cứu các doanh nghiệp bất động sản gặp khó sẽ ảnh hưởng tích cực tới xu thế giá dầu trong ngắn hạn - nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm từ lượng dầu tồn kho gia tăng của Mỹ.

“Các diễn biến nền tảng của thị trường dầu đang không có lợi cho giá dầu vì lượng tồn kho của Mỹ tăng”, một báo cáo của ANZ nhận định.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc vẫn khá ảm đạm. Giới phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này có thể giảm còn khoảng 4% trong nửa đầu năm 2024 do cuộc khủng hoảng bất động sản gây áp lực giảm lên nhu cầu dầu diesel.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate