October 29, 2022 | 09:27 GMT+7

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, Dow Jones có tuần tăng thứ tư liên tiếp

Bình Minh -

Xu hướng của Phố Wall trong tuần này là bán tháo cổ phiếu công nghệ và chuyển mạnh vốn sang những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/10), bất chấp cổ phiếu Amazon lao dốc. Chất xúc tác cho phiên này là dữ liệu cho thấy lạm phát giảm nhiệt và tiêu dùng vẫn vững vàng.

Giá dầu thô giảm, nhưng cũng có một tuần đi lên.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 828,52 điểm, tương đương tăng khoảng 2,6%, chốt ở 32.861,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng gần 2,5%, chốt ở 3.901,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng khoảng 2,9%, đạt 11.102,45 điểm.

Tính cả tuần, cả ba chỉ số đều đạt thành quả tăng ấn tượng. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp đầu tiên của Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng kết thúc vào tháng 11/2021. Cả tuần, chỉ số gồm 30 cổ phiếu thành viên này tăng 5,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 và tiến tới hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1976.

S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 3,9% và 2,2% cả tuần.

Xu hướng của Phố Wall trong tuần này là bán tháo cổ phiếu công nghệ sau loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ảm đạm hơn kỳ vọng và triển vọng bi quan về tình hình của những quý sắp tới mà các Big Tech gồm Microsoft, Alphabet, Meta và Amazon đưa ra.

Trái lại, nhà đầu tư chuyển mạnh vốn sang những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế, những nhóm sẽ hưởng lợi trong trường hợp kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế công bố trong tuần mang lại cho nhà đầu tư những tia hy vọng rằng lạm phát có thể đang suy yếu. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm lại sau cuộc họp vào tuần tới.

“Dữ liệu lạm phát không đến mức tệ. Lợi nhuận của các công ty niêm yết không tuyệt vời, nhưng cũng không phải là tồi tệ. Khi bạn đang loay hoay giữa đường, thì như thế cũng đủ giúp ích rồi”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence nói.

Cổ phiếu Amazon sụt 6,8% sau khi công ty báo cáo doanh thu quý 3 không đạt kỳ vọng và dự báo gây thất vọng về doanh thu quý 4. Cổ phiếu Apple tăng 7,5% dù doanh thu từ iPhone cũng không đạt kỳ vọng, nhưng tổng doanh thu và lợi nhuận quý 3 của hãng vượt dự báo của Phố Wall.

CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Management nói rằng Apple và một số hãng công nghệ có kết quả kinh doanh khả quan khác như Intel đã giúp nhà đầu tư ít nhiều vững tin hơn về lĩnh vực công nghệ đang trải qua nhiều biến động trong tuần này.

Ông Hatfield cũng cho rằng trong phiên ngày thứ Sáu, thị trường nhận được lực hỗ trợ quan trọng từ cổ phiếu hai hãng dầu khí Chevron và Exxon Mobil, với mức tăng tương ứng 1,2% và 2,9%, sau khi cả hai cùng công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

“Apple thực sự là một ngôi sao trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Đây là một thị trường đặc biệt, khi mà điều gì xấu đã bị coi là rất tồi tệ, nhưng chỉ cần ổn đã được coi là tốt, thậm chí là tuyệt vời”, ông Hatfield phát biểu.

Nhà đầu tư phấn khởi sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cho thấy mức tăng 0,5% trong tháng 9 so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Những mức tăng này vẫn lớn nhưng nhìn chung phù hợp với dự báo.

PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng nên thị trường cho rằng việc chỉ số này không nóng hơn dự báo có thể dẫn tới việc Fed chỉ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, thay vì 0,75 điểm phần trăm.

Ngoài ra, báo cáo trên cũng cho thấy tiêu dùng cá nhân ở Mỹ tăng 0,6% trong tháng 9, một mức tăng lớn hơn dự báo.

Giá dầu thô giảm trong phiên ngày thứ Sáu sau khi Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - mở rộng các hạn chế chống Covid.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, chốt ở 96,07 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,88 USD/thùng, tương đương giảm gần 1%, còn 88,2 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 2% và giá dầu WTI tăng khoảng 3%.

Hôm thứ Năm tuần này, các thành phố Trung Quốc tăng cường chống Covid, tiến hành phong toả nhiều khu vực, sau khi phát hiện 1.506 ca nhiễm Covid mới vào hôm thứ Năm, từ 1.264 ca mới hôm thứ Tư.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4, sau khi tăng 8,1% trong năm 2021.

“Khó có chuyện Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu thô, xét tới sự bấp bênh từ chính sách Zero Covid của nước này”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate