Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/12), đưa cả ba chỉ số chính cùng hoàn tất tuần tăng thứ 8 liên tiếp, nối dài đợt tăng cuối năm nhờ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm bắt đầu giảm lãi suất trong năm tới. Giá dầu thô giảm nhẹ, nhưng ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tục, khi mối lo về sự gián đoạn dòng chảy thương mại dầu thô đi qua Biển Đỏ cân bằng mối lo về sự dư thừa nguồn cung dầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,17%, đạt 4.754,63 điểm, chỉ còn cách 0,9% so với mức kỷ lục đóng cửa và cách 1,3% so với mức kỷ lục nội phiên. Chỉ số Nasdaq tăng 0,19%, đạt 14.992,97 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 18,38 điểm, tương đương giảm 0,05%, còn 37.385,97 điểm.
Tính đến hết tuần này, cả ba thước đo chứng khoán Mỹ đều có tuần tăng thứ 8 liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất của S&P 500 kể từ năm 2017 và dài nhất của Dow Jones kể từ năm 2019. Cả tuần, S&P 500 tăng 0,8%; Dow Jones tăng 0,2%; và Nasdaq tăng 1,2%.
Dow Jones không thể tăng phiên này do cổ phiếu Nike giảm gần 12% sau khi “đế chế” thời trang thể thao giảm dự báo doanh thu và công bố kế hoạch cắt giảm chi phí khoảng 2 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Báo cáo được chờ đợi từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng tăng ít hơn dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng chỉ 0,1% trong tháng 11 so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong một cuộc khảo sát do hãng tin Dow Jones thực hiện trước đó, các nhà kinh tế học dự báo mức tăng 0,1% trong tháng và 3,3% cả năm.
PCE toàn phần giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm đầu tiên trong vòng 3 năm rưỡi.
“Chúng tôi tin rằng số liệu PCE công bố ngày hôm nay, một chỉ số mà Fed rất chú trọng khi đánh giá tình hình lạm phát, tiếp tục củng cố xu hướng giảm của lạm phát. Và chúng tôi thấy đó là một chất xúc tác nữa cho sự hưng phấn của nhà đầu tư, khiến họ gần như tin chắc rằng nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, Giám đốc Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Xu hướng tăng điểm gần đây của chứng khoán Mỹ diễn ra trên diện rộng, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhanh và các nhà giao dịch tăng cường đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất. Từ chỗ lập đỉnh 16 năm trên 5% vào cuối tháng 10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm về ngưỡng 3,9%.
“Đợt tăng cuối năm này của thị trường diễn ra một cách sâu rộng. Chúng tôi nghĩ đó là một chỉ báo tốt lành cho nhà đầu tư khi bước sang năm 2024”, ông Bassuk nói.
Ngày thứ Hai tuần tới, thị trường tài chính Mỹ, trong đó có chứng khoán, sẽ đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,32 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 79,07 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 73,56 USD/thùng.
Giá dầu đối mặt áp lực giảm sau khi Angola rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Giới đầu tư lo ngại rằng khi không còn là một thành viên OPEC, Angola sẽ đẩy mạnh khai thác dầu giữa lúc sản lượng dầu ngoài OPEC đang cao, nhất là Mỹ đang khai thác nhiều dầu kỷ lục.
Tuy nhiên, mức giảm của giá dầu bị hạn chế nhờ niềm tin của thị trường vào việc Fed sẽ sớm giảm lãi suất, cộng thêm mối lo rằng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ nhằm vào tàu chở hàng sẽ dẫn tới sự gia tăng chi phí vận tải và gián đoạn dòng chảy thương mại.
Các vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái đã được Houthi tăng cường trong thời gian gần đây, buộc các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu bè để tránh kênh đào Suez - một tuyến đường biển huyết mạch nơi 12% tổng thương mại toàn cầu vẫn đi qua. Hai hãng vận tải biển khổng lồ Maersk và CMA CGM đều đã cho biết sẽ áp phí vận tải gia tăng liên quan tới việc chuyển hướng tàu.