Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/7) nhờ tâm trạng hưng phấn của nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo (AI) trước khi một loạt doanh nghiệp công nghệ vốn hoá lớn như Alphabet và Microsoft công bố báo cáo tài chính quý 2. Phiên tăng này diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục tăng, lập đỉnh mới của 3 tháng, nhờ kỳ vọng vào các biện pháp kích cầu mới của Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 26,83 điểm, tương đương tăng 0,08%, chốt ở 35.438,07 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 12 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, đạt 4.567,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,61%, đạt 14.144,56 điểm.
Cả Alphabet và Microsoft đều đã tung ra một loạt sản phẩm AI kể từ khi OpenAI - công ty được Microsoft hậu thuẫn - trình làng ChatGPT vào cuối năm 2022. Nhà đầu tư kỳ vọng các sản phẩm mới này sẽ giúp hai “gã khổng lồ” công nghệ bù đắp lại sự giảm tốc ở mảng kinh doanh dịch vụ đám mây.
Cổ phiếu công ty mẹ Google và nhà sản xuất Windows tăng tương ứng 0,6% và 1,7% trong phiên này. Kết quả kinh doanh của hai công ty được công bố sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức.
“Khi có nhiều sự hưng phấn đến như vậy đối với một chủ đề đầu tư nhất định, thị trường sẽ không cần nhiều lý do để dịch chuyển”, chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của Interactive Brokers nhận định với hãng tin Reuters.
Nasdaq, chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng đa số, đã tăng mạnh trong năm nay nhờ mức tăng vượt trội của các công ty công nghệ vốn hoá lớn có mức độ nhạy cảm cao với lãi suất, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Fed đang tiến gần tới hồi kết của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Các công ty ngoài lĩnh vực công nghệ cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng tốt nhờ mức định giá thấp giúp thu hút nhà đầu tư.
Về cuộc họp của Fed, thị trường đang đặt cược lớn vào khả năng Fed công bố quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào rạng sáng mai (27/7) theo giờ Việt Nam. Nhà đầu tư muốn biết hơn cả là đánh giá của Fed về tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế, cũng như triển vọng lãi suất trong thời gian tới.
“Cuộc họp của Fed đang nhắc nhở thị trường rằng có thể còn có một đợt tăng lãi suất nữa sau lần tăng vào ngày mai. Đó là một mối lo lớn đối với thị trường, nhất là đối với cổ phiếu công nghệ”, Giám đốc đầu tư Rishi Sadarangani của quỹ phòng hộ R/Evolution Gate nhận định.
Kết quả một cuộc khảo sát kinh tế công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức cao nhất trong 2 năm, nhờ thị trường việc làm vững vàng và bất chấp mối lo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,9 USD/thùng, chốt ở 83,64 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,89 USD/thùng, chốt ở 79,63 USD/thùng. Trong phiên, giá cả hai loại dầu đều có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng tháng 4.
Dầu thô đang duy trì xu hướng tăng giá sau khi đã có 4 tuần tăng liên tiếp nhờ kỳ vọng vào sự thắt chặt nguồn cung dầu do OPEC+ cắt giảm sản lượng. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.
“Thị trường đang trở nên lo ngại hơn về xu hướng thắt chặt nguồn cung dầu. Xu hướng này đang trở nên rõ ràng hơn, khi mà sự sụt giảm của nhu cầu là điều không hề xảy ra như kỳ vọng”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi tin tức từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nước này đã đưa ra cam kết tăng cường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau một cuộc họp Bộ Chính trị.
Dù vậy, một vài thông tin kém khả quan về kinh tế Mỹ và châu Âu đã hạn chế mức tăng của giá dầu.
Tại khu vực Eurozone, hoạt động kinh doanh tháng 7 giảm mạnh hơn kỳ vọng - theo một cuộc khảo sát. Tại Mỹ hoạt động kinh doanh tháng 7 giảm mức thấp nhất 5 tháng, nhưng giá đầu vào giảm và hoạt động tuyển dụng chậm lại cho thấy Fed có thể đang đạt bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát.