Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong khoảng 1 tháng trở lại đây trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/9), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm và nhà đầu tư dường như “phớt lờ” những phát biểu cứng rắn mới nhất của giới chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu rớt xuống đáy 7 tháng vì mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế và lãi suất tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 435,98 điểm, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,83%, đạt 3.979,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,14%, đạt 11.791,9 điểm.
Lần gần đây nhất các chỉ số chứng khoán Mỹ có mức tăng phần trăm lớn đến vậy trong 1 phiên giao dịch là vào hôm 10/8. Với phiên tăng này, Nasdaq chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng đây chưa chắc đã là sự mở đầu của một xu hướng phục hồi bền vững.
Cổ phiếu ở Phố Wall đã bị bán tháo từ giữa tháng 8, khi các quan chức Fed gồm Chủ tịch Jerome Powell liên tục đưa ra những phát biểu cứng rắn về chính sách tiền tệ. Cùng với đó, thị trường chịu áp lực giảm từ những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc, cũng như những động thái nâng lãi suất quyết liệt nhằm chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Gần đây, các số liệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ đã khiến các nhà giao dịch đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20-21/9. Theo dữ liệu từ sàn CME, mức độ đặt cược vào bước nhảy lãi suất này hiện đang là hơn 76%.
Một nhân tố quan trọng đóng góp vào phiên tăng này của chứng khoán Mỹ là việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt khỏi đỉnh của 3 tháng thiết lập trong phiên trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt phiên ở ngưỡng 3,28%. Mấy tuần trở lại đây, mối lo lạm phát sẽ cao dai dẳng và khiến Fed phải nâng lãi suất lên cao hơn đã kéo lợi suất đi lên.
Lợi suất “giảm nhiệt” đã tạo ra một cú huých cho những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với lãi suất như Tesla, Microsoft và Amazon. Những công ty tăng trưởng cao như doanh nghiệp công nghệ thường hưởng lợi khi lợi suất giảm, vì điều đó đồng nghĩa với mức chiết khấu thấp hơn trong lợi nhuận tương lai của các công ty này khi nhà đầu tư định giá cổ phiếu.
Giới đầu tư vẫn đang chờ những tín hiệu rõ ràng hơn về việc Fed sẽ nâng lãi suất như thế nào trong cuộc họp tới.
“Ngày hôm nay, thị trường trái phiếu khá hơn một chút, nên thị trường chứng khoán cũng khá hơn một chút. Nhưng mối lo lớn vẫn là Fed sẽ làm gì vào ngày 21/9. Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến sự giằng co của giá cổ phiếu mỗi ngày”, Giám đốc đầu tư Brent Schutte của Northwestern Mutual Wealth Management Company nhận định trên hãng tin Reuters.
Những phát biểu ngày thứ Tư của các quan chức Fed tiếp tục thể hiện lập trừng cứng rắn. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng giá thuê nhà tăng cao còn chưa ngấm hết vào các thước đo lạm phát, đồng nghĩa lạm phát vẫn còn có thể tăng cao hơn.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói rằng Fed phải nâng lãi suất lên một mức gây hạn chế các hoạt động kinh tế và duy trì ở mức đó cho tới khi các nhà hoạch định chính sách thực sự tin rằng lạm phát đã suy yếu. Phó chủ tịch Fed Lael Brainard nói thêm rằng chính sách tiền tệ cần phải giữ trạng thái thắt chặt “trong một thời gian”.
Tâm điểm của sự chú ý sẽ là một bài phát biểu của ông Powell vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 dự kiến công bố vào tuần tới.
10/11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 cùng tăng điểm phiên này, dẫn đầu là nhóm dịch vụ tiện ích - phản ánh lập trường phòng thủ của nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bấp bênh. Năng lượng là nhóm duy nhất giảm điểm, với mức giảm 1,16%, do giá dầu lao dốc chóng mặt.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số MSCI All Country World Index tăng 1,06%. Chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nói rằng thị trường đã bán quá nhiều, nên sự hồi phục có thể diễn ra mà không cần nhiều cố gắng. Giá dầu giảm mạnh và đồng USD suy yếu được bà Krosby cho là hai chất xúc tác quan trọng cho phiên tăng này của chứng khoán thế giới.
Tuy nhiên, nỗi lo về sự khan hiếm nguồn cung khí đốt trong mùa đông vẫn khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm, với chỉ số Stoxx 600 của thị trường khu vực chốt phiên với mức giảm 0,57%.
Trong phiên ngày thứ Tư, đồng USD có lúc lập đỉnh 24 năm so với đồng Yên Nhật và 37 năm so với đồng Bảng Anh. Tỷ giá đồng Euro so với USD có lúc giảm còn 0,9864 USD đổi 1 Euro, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2002.
Đồng bạc xanh sau đó đã quay đầu giảm. Lúc đóng cửa, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt gồm Yên Nhật, Bảng Anh và USD giảm 0,7%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu đã làm dấy lên mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Ngoài ra, triển vọng lãi suất tiếp tục tăng trên toàn cầu cũng tiếp tục gây sức ép giảm giá lên dầu. Trong cuộc họp vào ngày thứ Năm (8/9), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm.
Giá dầu Brent giảm 4,83 USD/thùng, tương đương giảm 5,2%, chốt phiên còn 88 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent giảm dưới 90 USD/thùng kể từ hôm 8/2.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau mất 4,94 USD/thùng, tương đương giảm 5,7%, còn 81,94 USD/thùng khi đóng cửa, mức thấp nhất kể từ tháng 1.