Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/2), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về loạt báo cáo tài chính từ các công ty niêm yết và căn chỉnh kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô đi lên do dự báo cho rằng sản lượng khai thác dầu của Mỹ sẽ đi ngang trong năm nay sau khi lập kỷ lục trong năm 2023.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,23%, đạt 4.954,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,07%, đạt 15.609 điểm. Chỉ số Dow Jones nhảy 141,24 điểm, tương đương tăng 0,37%, chốt ở 38.421,36 điểm.
“Thị trường đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng từ những phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell”, CEO Adam Sarhan của công ty 50 Park Investment nhận định với hãng tin CNBC, đề cập đến việc ông Powell gần đây bác bỏ khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3.
Dẫn dắt thị trường trong phiên này là cổ phiếu công nghệ - nhóm giữ vai trò trụ cột trong thời gian gần đây nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và kết quả kinh doanh khả quan của nhiều hãng công nghệ vốn hoá lớn. Cổ phiếu Plantir Technologies tăng 31% sau khi công ty “trình làng” kết quả kinh doanh quý 4/2023 tốt hơn dự báo. Cổ phiếu công ty Spotify Technology tăng gần 4% cũng nhờ lợi nhuận vượt kỳ vọng và số lượng người thuê bao dịch vụ cao cấp tăng lên.
Xu hướng tăng của giá cổ phiếu ở Phố Wall những tuần gần đây dựa trên kỳ vọng rằng Fed rốt cục sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, những phát biểu trong tuần vừa rồi của ông Powell đã dập tắt hy vọng về một đợt giảm vào tháng 3, đồng thời khiến thị trường dịch chuyển kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất sang tháng 5 hoặc thậm chí là nửa sau của năm nay. Sự dịch chuyển này đang gây áp lực giảm lên thị trường, nhất là đối với những giao dịch đặt cược vào việc Fed sớm hạ lãi suất.
Sự tăng điểm tập trung vào một vài nhóm cổ phiếu trong những phiên gần đây đang đặt ra mối lo về việc liệu thị trường có thể duy trì bền vững xu hướng tăng hay không.
“Đã xuất hiện tiền đề cho biến động thực sự trên thị trường. Hai ngày trở lại đây là bằng chứng cho thấy những gì có thể xảy đến trong 6-8 tuần tới”, CEO Philip Blancato của công ty Ladenburg Thalmann Asset Management nhận định với CNBC.
Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói nếu kinh tế Mỹ diễn biến như bà kỳ vọng, cánh cửa cho việc giảm lãi suất sẽ được mở ra. Tuy nhiên, bà Mester cũng nói chưa sẵn sàng đề cập đến thời điểm cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ bởi tình hình lạm phát vẫn còn nhiều bấp bênh.
“Câu hỏi của các nhà giao dịch bây giờ không phải là nền kinh tế Mỹ sẽ ‘hạ cánh mềm’ hay rơi vào suy thoái nữa, mà là liệu có xảy ra kịch bản ‘không hạ cánh’ hay nền kinh tế tăng tốc trở lại trong năm nay hay không”, ông Matthew Weller, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của trang Forex.com nhận định với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,6 USD/thùng, tương đương tăng 0,77%, chốt ở mức 78,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,53 USD/thùng, tương đương tăng 0,73%, chốt ở mức 73,31 USD/thùng.
Năm nay, giá dầu WTI đã tăng 2,32% và giá dầu WTI đã tăng 2,01%.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tháng 12, sau khi giảm còn 12,6 triệu thùng/ngày trong tháng 1 do thời tiết bão tuyết - theo số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Ba.
EIA dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ chớp nhoáng trở lại mốc 13,3 triệu thùng/ngày vào tháng 2, nhưng sau đó sẽ giảm trở lại và phải đến tháng 2/2-25 mới lập lại kỷ lục cũ 13,3 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ và triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực giảm lên giá dầu trong những tháng gần đây, khi thị trường lo ngại thị trường dầu sẽ thừa cung thiếu cầu trong năm 2024. Các nhà giao dịch dầu lửa cũng đang theo dõi các nỗ lực đàm phán một thoả thuận ngừng bắn ở dải Gaza và các động thái quân sự của Mỹ ở Trung Đông.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định rằng căng thẳng địa chính trị đang tạo ra một mặt sàn nâng đỡ giá dầu, trong bối cảnh kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất đang suy yếu dần và triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn còn là một mối lo.