February 01, 2023 | 07:13 GMT+7

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng nhờ tín hiệu tốt về lạm phát

Bình Minh -

Tháng 1 khả quan có thể là một chỉ báo tốt cho thị trường, dẫn dắt giá cổ phiếu đi lên trong những tháng tiếp theo...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 27/1 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 27/1 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (31/1), khi loạt báo cáo tài chính khả quan và dữ liệu tốt hơn dự báo về lạm phát đưa chỉ số S&P 500 hoàn tất tháng 1 tăng mạnh nhất kể từ 2019. Giá dầu thô nhảy hơn 1% nhờ đồng USD suy yếu và tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Mỹ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 368,95 điểm, tương đương tăng 1,09%, đạt 34.086,04 điểm. S&P 500 tăng 1,46%, đạt 4.076,6 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,67%, đạt 11.584,55 điểm, đánh dấu tháng Giêng tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.

Phiên này, các nhà giao dịch cổ phiếu dành nhiều thời gian để đánh giá một số công ty thuộc hàng lớn nhất ở Mỹ đang chống chọi như thế nào với lạm phát cao và nỗi lo người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Cổ phiếu hãng xe General Motors (GM) tăng khoảng 8,4% sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 tốt hơn dự báo. Cổ phiếu hãng dầu lửa ExxonMobil cũng tăng gần 2,2% sau khi công bố báo cáo tài chính quý 4.

Cũng trong phiên này, thị trường còn đón nhận một thông tin khả quan về lạm phát ngay trước thềm quyết định lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số chi phí nhân công - một thước đo quan trọng về tiền lương được Fed theo dõi sát sao - cho thấy tiền lương nhân công ở Mỹ tăng 1% trong quý 4 vừa qua, thấp hơn mức dự báo tăng 1,1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed sẽ kết thúc vào ngày 1/2, và thị trường dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ áp dụng bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này. Điều mà thị trường hy vọng là lạm phát xuống thang sẽ dẫn tới việc Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu về việc dừng thắt chặt trong tương lai gần.

Chính hy vọng này cũng chính là nhân tố đã đưa chứng khoán Mỹ có một khởi đầu rực rỡ cho năm 2023. S&P 500 và Dow Jones đã tăng tương ứng khoảng 6,2% và 2,8% trong tháng 1, tháng tăng thứ ba trong vòng 4 tháng trở lại đây. Thành quả tăng của Nasdaq trong tháng này là gần 10,7% - mức tăng tốt nhất của chỉ số kể từ tháng 7 năm ngoái.

Tháng 1 khả quan có thể là một chỉ báo tốt cho thị trường, dẫn dắt giá cổ phiếu đi lên trong những tháng tiếp theo. Trong lịch sử, trong số những lần S&P 500 tăng hơn 5% trong tháng 1 sau một năm giảm, đã có 5 lần chỉ số tăng bình quân 30% mỗi lần trong năm đó.

“Tất cả chúng ta đều đang chứng kiến các động lực lịch sử lớn của thị trường bắt đầu chỉ báo tới một hướng đi mà chúng tôi cho là sẽ hỗ trợ đà tăng của giá cổ phiếu trong những tháng tới đây”, CEO Greg Bassuk của AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC.

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Stoxx 600 mất 0,26%. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu đã tăng 6,41% từ đầu năm. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán toàn cầu chốt phiên với mức giảm 0,95%, nhưng tăng 4,5% trong tháng 1.

Bên cạnh cuộc họp của Fed, giới đầu tư toàn cầu trong tuần này còn quan tâm tới các tuyên bố lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến đưa ra vào ngày thứ Năm. Cả BOE và ECB đều được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này.

Ngoài ra, thị trường tuần này còn đón nhận nhiều số liệu quan trọng của kinh tế Mỹ, gồm báo cáo việc làm tháng 1 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Hiện tại, bất kỳ tín hiệu yếu đi nào của thị trường lao động đều được nhà đầu tư xem là một nhân tố chủ chốt để kéo lạm phát xuống. Loạt dữ liệu về ngành sản xuất và dịch vụ của Mỹ cũng được công bố tuần này.

Giá dầu thô Brent giao tháng 3 tại thị trường London tăng 0,96 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 85,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,97 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 78,87 USD/thùng.

Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và dữ liệu cho thấy nhu cầu của Mỹ đối với dầu thô và các sản phẩm dầu tăng trong tháng 11. Dù vậy, trong phiên, giá dầu có lúc tụt xuống mức thấp nhất gần 3 tuần do áp lực từ kỳ vọng lãi suất còn tăng và triển vọng nguồn cung dầu thô Nga dồi dào.

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu dầu thô và các sản phẩm dầu của nước này trong tháng 11 tăng thêm 178.000 thùng/ngày, đạt 20,59 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8.

Đồng USD giảm giá sau khi số liệu chi phí nhân công của Mỹ được công bố. Chỉ số Dollar Index trượt gần 2%, chốt ở 102,1 điểm.

Theo dự báo của giới phân tích, trong cuộc họp ngày 1/2, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters có sự tham gia của 49 nhà kinh tế học và phân tích, giá dầu Brent được dự báo bình quân hơn 90 USD/thùng trong năm nay. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10, dự báo giá dầu bình quân năm 2023 trong cuộc khảo sát hàng tháng này được điều chỉnh tăng, và cơ sở cho việc tăng này là sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate