Gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thường xuyên sử dụng cụm từ “giữ hướng đi” khi nói đến các quyết định lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng khó có chuyện ECB sẽ duy trì lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn trong thời gian dài.
Năm 2022 chứng kiến ECB chuyển sang trạng thái thặt chặt với 4 đợt tăng lãi suất nhằm kiểm soát tình trạng leo thang chóng mặt của giá cả khắp khu vực Eurozone. Sau chuỗi nâng này, lãi suất cơ bản đồng Euro tăng từ mức -0,5% lên mức 2%.
Các thống kê gần đây cho thấy lạm phát toàn phần ở Eurozone đã giảm 2 tháng liên tiếp, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB. Trong bối cảnh như vậy, một số quan chức ECB đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về việc ngân hàng trung ương này cần phải tăng lãi suất đến đâu. Trong số đó, bà Lagarde nói: “Chúng tôi sẽ giữ hướng đi để đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát đúng thời hạn”.
Một câu hỏi được các nhà quan sát đặt ra: ECB sẽ giữ trạng thái thắt chặt trong bao lâu?
“Mức độ bấp bênh đang tăng lên xung quanh triển vọng động thái chính sách của ECB sau tháng 3. Một số thành viên Hội đồng Thống đốc ECB tỏ quan điểm muốn tăng lãi suất cao hơn nữa trong quý 2”, chiến lược gia trái phiếu Francesco Maria Di Bella của UniCredit nói với hãng tin CNBC.
“Bước nhảy của những đợt tăng lãi suất đó sẽ tuỳ thuộc vào triển vọng lạm phát. Áp lực giá cả giảm bớt có thể cho phép ECB nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm, thay vì tăng 0,5 điểm phần trăm, trong cuộc họp vào tháng 5 và tháng 6”, ông Di Bella nói thêm.
Tuần này, ông Fabio Panetta, một thành viên Hội đồng Điều hành ECB , tuần này nói rằng ECB không nên “hứa trước” về bất kỳ động thái lãi suất nào sau cuộc họp tháng 3.
Thị trường hiện đang đặt cược ECB nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp chính sách tới, một diễn ra vào đầu tháng 2, tức là trong tuần tới, và một diễn ra vào tháng 3.
“Phát biểu của ông Panetta cho thấy những người có quan điểm mềm mỏng đang tập hợp lực lượng ở ECB, nhưng những người cứng rắn vẫn sẽ chiếm ưu thế trong ít nhất 2 cuộc họp tới. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra kịch bản cơ bản là 2 lần tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần”, Giám đốc Davide Oneglia của TS Lombard nhận định.
Giữ vai trò ngân hàng trung ương của khu vực từ năm 1991, ECB có một lịch sử nghiêng về mềm mỏng vì Eurozone đã trải qua nhiều năm lạm phát ghìm ở mức thấp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng, những vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, cùng với những nút thắt khác đã đẩy giá cả trong khu vực tăng cao, theo đó dẫn tới một lập trường mới của ECB.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters trong tuần này cho thấy thị trường kỳ vọng ECB dừng tăng lãi suất trong quý 2 năm nay, khi lãi suất đạt 3,25%.
“Chỉ thời gian mới có thể trả lời câu hỏi ECB sẽ nâng lãi suất đến đâu sau tháng 3”, ông Oneglia nhận định. Ông nói thêm rằng “có khả năng lãi suất cơ bản của ECB sẽ đạt cực đại ở mức 3,5%-3,75%”, nhưng ECB “không thể phân ly khỏi định hướng chính sách tiền tệ của Fed một cách quá nhiều trong thời gian quá lâu”.
Các nhà giao dịch đã bắt đầu thảo luận về việc liệu Fed có tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trong những cuộc họp sắp tới, sau loạt dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục đi xuống.
“Bởi vậy, nếu Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn kỳ vọng và/hoặc Fed tiến tới cắt giảm lãi suất để ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế, ECB có thể dừng tăng lãi suất sớm hơn”, ông Oneglia nói.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế của Eurozone có vẻ đang gây bất ngờ theo chiều hướng tích cực. Tuần này, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone đã cho thấy sự tăng trưởng ngoài dự kiến.
Điều này làm giảm khả năng ECB phải chấm dứt hoặc thậm chí đảo ngược lập trường cứng rắn, nhưng giới phân tích không cho rằng ECB không cho rằng sẽ cần phải duy trì việc tăng lãi suất trong một thời gian dài nữa.
Chuyên gia Andrew Kenningham của Capital Economics nói với CNBC rằng ông kỳ vọng ECB nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 1 và tháng 3, rồi áp dụng bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 và tháng 6.
“Sau đó, chúng ta sẽ chứng kiến lãi suất chính sách giữ nguyên cho tới nửa sau của năm 2024”, ông nói thêm.
Một yếu tố cần tính đến là lạm phát có thể giảm thêm như thế nào trong những tháng tới, khi giá năng lượng đang có xu hướng giảm.
Dự báo về tuyên bố của ECB trong cuộc họp vào tuần tới, ông Kenningham nói: “Ngôn ngữ trong tuyên bố của ECB sẽ tiếp tục thể hiện sự cứng rắn và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất, phải ‘giữ hướng đi’ mà không nói rõ dự kiến về mức tăng và thời điểm của các đợt tăng lãi suất tiếp theo”.