May 16, 2023 | 07:55 GMT+7

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng trong lúc nhà đầu tư lo Chính phủ Mỹ vỡ nợ

Bình Minh -

“Dường như có một chút lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ. Một phần có thể do nghệ thuật chính trị, nhưng điều đó cũng đủ để giúp ích cho thị trường ngày hôm nay”...

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (15/5), trong bối cảnh nhà đầu tư chờ kết quả cuộc họp về trần nợ giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội. Giá dầu cũng đi lên do mối lo về nguồn cung thắt chặt. Giá dầu cũng tăng sau 3 phiên liên tiếp "đỏ lửa".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 47,98 điểm, tương đương tăng 0,14%, chốt ở 33.348,6 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, chốt ở 4.136,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,66%, đạt 12.365,21 điểm.

Không có những yếu tố cụ thể để lý giải cho phiên tăng này, khi mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 của các công ty niêm yết đang dần đi tới hồi kết và số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của bang New York gây thất vọng. Riêng đối với chỉ số Nasdaq, lực hỗ trợ chủ yếu của phiên này đến từ nhóm cổ phiếu chip đồng loạt tăng mạnh.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang hướng sự chú ý tới các cuộc thảo luận về trần nợ đang diễn ra ở Nhà Trắng, giữa ông Biden và các nhân vật chủ chốt của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà từ Quốc hội. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa xác nhận Chính phủ nước này có thể vỡ nợ vào đầu tháng 6.

“Dường như có một chút lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ. Một phần có thể do nghệ thuật chính trị, nhưng điều đó cũng đủ để giúp ích cho thị trường ngày hôm nay”, Giám đốc đầu tư Josehph Sroka của công ty NovaPoint nhận định với hãng tin Reuters. “Các bên đang chia rẽ và cuộc đàm phán này vì thế mang tính chất đối đầu cao, và cũng bị thổi phồng nhiều hơn so với bình thường”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa khẳng định Washington có thể rơi vào cảnh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử ngay vào ngày 1/6. Tuần trước, bà Yellen nói nếu trần nợ không được nâng kịp thời, Mỹ có thể sẽ đối mặt với một “thảm hoạ kinh tế”.

“Việc đợi cho tới phút chót mới đình chỉ hoặc nâng trần nợ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đẩy cao chi phí đi vay đối với người đóng thuế trong ngắn hạn, và tác động tiêu cực đến điểm tín nhiệm của Mỹ”, bà Yellen nói. “Trên thực tế, chúng tôi đã chứng kiến chi phí đi vay bằng trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh đối với những trái phiếu đáo hạn vào đầu tháng 6”.

Cuối tuần vừa rồi, ông Biden tỏ ra lạc quan về đàm phán trần nợ, trong khi Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Cộng hoà Kevin McCarthy nói rằng những trở ngại lớn vẫn còn đó. Ông Biden đến nay vẫn giữ quan điểm là nâng trần nợ không phải là chuyện có thể đem ra thương lượng, nhưng phe Cộng hoà muốn đàm phán để có một thoả thuận mà ở đó việc nâng trần nợ phải đi kèm với cắt giảm chi tiêu.

Một số liệu kinh tế quan trọng được nhà đầu tư chờ đợi trong tuần này là báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 4, dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo mức tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, nhiều quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần này, có thể sẽ đưa ra những tín hiệu về đường đi sắp tới của lãi suất.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,06 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 75,23 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,07 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 71,11 USD/thùng.

Phiên tăng giá này của “vàng đen” diễn ra sau 3 phiên giảm liên tiếp, do mối lo về nguồn cung dầu thắt chặt. Dù vậy, mối lo suy thoái kinh tế vẫn đang gây áp lực giảm lên giá dầu.

Cháy rừng đang lan rộng ở vùng Alberta của Canada, khiến nhiều cơ sở khai thác dầu phải ngừng hoạt động. Thị trường đang lo ngại tình hình có thể xấu đi trong những ngày tới, dẫn tới gián đoạn nguồn cung dầu - theo nhà phân tích Robert Yawger của ngân hàng Mizuho.-

Tuần trước, sản lượng dầu của Alberta giảm ít nhất 300.000 thùng/ngày. Hồi năm 2016, cháy rừng khiến sản lượng dầu của vùng này giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.

Nguồn cung dầu toàn cầu cũng có thể thắt chặt trong nửa sau của năm nay nếu OPEC+ tiếp tục đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng mới. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga. Chưa kể, Bộ Năng lượng Mỹ có thể bắt đầu mua dầu để làm đầy dự trữ chiến lược (SPR) từ tháng 6, sau khi hoàn tất kế hoạch xả dự trữ để cải thiện nguồn cung dầu theo quyết định mà Tổng thống Biden đưa ra vào năm ngoái.

Giá dầu khó tăng mạnh hơn vì tiếp tục đương đầu với sức ép từ mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Tuần trước, giá dầu đã giảm tuần thứ tư liên tiếp, chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ tháng 9/2022.

“Nếu điều kiện tín dụng ở Mỹ nới lỏng trong vài tháng tới, làm dịu đi mối lo về sức khoẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, giá dầu có thể bật tăng trở lại mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Nhưng ở thời điểm này, có vẻ như còn quá sớm để tin vào điều đó”, nhà phân tích Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate