Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/9), nhưng tiến tới hoàn tất một tháng giảm mạnh dưới áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Giá dầu thô quay đầu đi xuống sau khi đạt mức cao nhất trong 10 tháng, vì mối lo ngại lãi suất cao sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 116,07 điểm, tương đương tăng 0,35%, đạt 33.666,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,59%, đạt 4.299,7 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,83%, đạt 13.201,28 điểm.
Phố Wall đang chuẩn bị khép lại một tháng và một quý giao dịch đầy khó khăn. Trong đó, Dow Jones đã giảm 3% trong tháng và 2% trong quý. Mức giảm tương ứng của S&P 500 là 4,6% và 3,4%. Nasdaq giảm 5,9% và 4,3%.
“Áp lực bán cổ phiếu đã giảm bớt trong phiên này. Do thiếu chất xúc tác quan trọng, rất khó để thị trường duy trì sự dịch chuyển theo một hướng. Sự tạm dừng ngắn ngủi như thế này là điều hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả khi bối cảnh của thị trường có thể xấu hơn nữa”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định về phiên phục hồi này trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Cả ba chỉ số cùng nhận được một cú huých khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống từ mức cao nhất trong nhiều năm. Thời gian qua, giá cổ phiếu ở Phố Wall đã đương đầu với sức ép từ xu hướng tăng của lợi suất và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Báo cáo tuần từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua thấp hơn so với dự báo - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt sau 11 lần nâng lãi suất của Fed đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức cao nhất 22 năm. Sau khi số liệu này được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức đỉnh mới của 15 năm trên 4,6%. Tuy nhiên, vào cuối phiên, lợi suất đã giảm khỏi mức đỉnh này.
Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây chịu sự chi phối của các diễn biến trên thị trường trái phiếu. Bất kỳ sự leo thang nào của lãi suất cũng làm dấy lên mối lo về suy thoái kinh tế và đẩy giá cổ phiếu đi xuống. Tuần này, S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - có lúc rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.
Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Chỉ số này là thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng, được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến các động thái chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới.
Ngoài ra, thị trường cũng đang dõi theo cuộc đàm phán ngân sách ở Washington, khi ngày 30/9 là hạn chót để các nghị sỹ thông qua một kế hoạch ngân sách mới trước khi bước sang năm tài khoá mới. Nếu không có thoả thuận, Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần.
Trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nói ông tin tưởng Quốc hội sẽ tránh được việc khiến Chính phủ phải đóng cửa. Tuy nhiên, ông McCarthy vẫn chỉ trích một dự luật mà Thượng viện đề xuất vì dự luật này không xử lý vấn đề an ninh biên giới. Giới quan sát lo ngại ông McCarthy sẽ không thể thống nhất được các nghị sỹ trong đảng Cộng hoà của ông trước thời hạn 30/9.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 11 tại London giảm 1,17 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, đóng cửa ở mức 95,38 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,97 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, chốt phiên ở mức 91,71 USD/thùng.
Trong phiên, mối lo về sự thắt chặt nguồn cung và lượng dầu tồn kho giảm xuống thấp có thời điểm đã đẩy giá dầu Brent đạt 97,69 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2022. Giá dầu WTI có lúc đạt 95,03 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2022.
“Đã đến lúc giá dầu phải giảm. Khi giá lên gần 100 USD/thùng, các nhà giao dịch chẳng có lý do gì mà không chốt lãi”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định với hãng tin Reuters.
Nhiều nhà giao dịch lo ngại rằng giá dầu cao sẽ đẩy lạm phát lên, buộc Fed và các ngân hàng trung ương khác phải duy trì lãi suất ở mức cao. Và mối lo này cũng là một lý do để họ bán ra khi giá dầu lập một mức đỉnh mới.
“Giá dầu đang trở thành một mối lo… vì nhà đầu tư xem là giá dầu cao là lý do để Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với dự kiến ban đầu để chống lạm phát”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates nhận định.
Số liệu điều chỉnh công bố ngày thứ Năm từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng khá mạnh 2,1% trong quý 2 năm nay. Bên cạnh đó, báo cáo thất nghiệp hàng tuần như đề cập ở trên là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tăng tốc trong quý 3.
Theo một số dự báo, kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 4,9% trong quý 3. Tuy nhiên, nền kinh tế có thể giảm tốc mạnh trong quý 4 nếu Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa.