August 02, 2024 | 13:25 GMT+7

Chứng khoán Nhật bán tháo vì mối lo đồng yên tăng giá

Bình Minh -

Những cú sụt chóng mặt diễn ra trong bối cảnh đồng yên Nhật Bản tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 3 so với đồng USD sau khi BOJ nâng lãi suất vào hôm 31/7...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên ngày 1/8 và sáng nay (2/8), khi đà tăng giá mạnh của đồng yên gây áp lực lên cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu và động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) kéo tụt cổ phiếu bất động sản.

Các chỉ số Nikkei 225 của Topix của chứng khoán Nhật có lúc giảm tới 5% mỗi chỉ số trong phiên sáng nay, sau khi Nikkei giảm 2,6% và Topix giảm 3,2% trong phiên ngày 1/8.

Ngoài biến động lãi suất và tỷ giá tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán nước này còn chịu ảnh hưởng từ phiên bán tháo vào ngày 1/8 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đã xả hàng sau khi số liệu kinh tế mới nhất làm dấy lên mối lo suy thoái kinh tế.

Không chỉ ở Nhật, bán tháo được ghi nhận tại hầu hết các thị trường chủ chốt ở khu vực châu Á khác trong sáng nay, với thị trường Australia giảm 2,1%, Hàn Quốc giảm 3,2%, Hồng Kông giảm hơn 2%, và Trung Quốc đại lục giảm gần 0,5% vào lúc gần 11h trưa nay theo giờ Việt Nam.

Mức giảm sâu được ghi nhận ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn của Nhật trong phiên sáng nay, như tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank giảm hơn 5%; hai công ty giao dịch hàng hóa Mitsui và Marubeni giảm tương ứng hơn 8% và 6%. Cổ phiếu công ty bán dẫn Tokyo Electron giảm hơn 9%.

Phiên ngày 1/8, cổ phiếu bất động sản dẫn đầu sự giảm điểm trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, với mức giảm 3,7%. Cổ phiếu ô tô giảm 6,6%.

Những cú sụt chóng mặt diễn ra trong bối cảnh đồng yên Nhật Bản tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 3 so với đồng USD sau khi BOJ nâng lãi suất vào hôm 31/7 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cùng ngày phát tín hiệu có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

“Việc BOJ nâng lãi suất đặt ra hai mối lo. Một là đồng yên tăng giá đặt ra trở ngại cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản vốn cho tới gần đây vẫn hưởng lợi từ sự mất giá của yên. Và hai là mối lo liệu nền kinh tế có thể trụ vững dưới sức ép lãi suất tăng. Vẫn còn nhiều yếu tố không thể đoán định”, nhà quản lý danh mục Tesuo Seshimo của công ty Saison Asset Management Co. phát biểu với hãng tin Bloomberg.

Tình hình lợi nhuận của các công ty niêm yết trong mùa báo cáo tài chính quý 2/2024 là một nguyên nhân khác khiến chứng khoán Nhật sụt điểm. Công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Nhật Bản là Toyota chứng kiến giá cổ phiếu giảm 8,5%, một mặt do đồng yên tăng giá và mặt khác do lợi nhuận hoạt động của công ty không đạt kỳ vọng. Với mức giảm này, Toyota là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự giảm điểm của Topix trong phiên ngày 1/8.

Hôm 31/7, BOJ nâng lãi suất lên ngưỡng “khoảng 0,25%” từ mức 0-0,1% trước đó. Sau động thái của BOJ, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. tăng lãi suất ngắn hạn cơ bản - lãi suất cơ sở của các khoản vay thế chấp nhà và nhiều khoản vay khác.

Tại một cuộc họp báo sau khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đưa ra những phát biểu củng cố quan điểm rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng.

“Thống đốc Ueda dường như trở thành một người khác trong cuộc họp báo ngày hôm qua. Ông ấy cứng rắn. Quan điểm phổ biến trước đó trên thị trường chứng khoán Nhật rằng ‘lãi suất sẽ không tăng và đồng yên sẽ không tăng’ đã phải thay đổi”, nhà phân tích cấp cao Tomoichiro Kubota thuộc công ty Matsui Securities nhận định với Bloomberg.

Đợt giảm điểm này của chứng khoán Nhật Bản diễn ra sau khi cả Nikkei 225 và Topix cùng đạt mức cao kỷ lục trong năm nay nhờ đồng yên yếu và xu hướng tăng của cổ phiếu công nghệ toàn cầu. Cổ phiếu công nghệ cũng đã bị bán mạnh gần đây, khi cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giảm nhiệt và thị trường trở nên lo ngại về đường đi chính sách của BOJ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate