Thị trường chứng khoán Nhật tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/8) sau phiên bán tháo lịch sử vào ngày thứ Hai, đưa sắc xanh trở lại với chứng khoán khu vực châu Á. Cùng với đó, tỷ giá đồng yên Nhật có dấu hiệu suy yếu sau mấy ngày liên tiếp liên tục leo thang với tốc độ khiến giới đầu tư bị sốc.
Vừa mở cửa, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật tăng hơn 8%. Tốc độ tăng tiếp tục được đẩy nhanh sau đó, đưa chỉ số có thời điểm tăng hơn 10% so với mức đóng cửa của phiên trước. Ngày thứ Hai, chỉ số giảm 12,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ phiên giao dịch “ngày thứ Hai đen tối” năm 1987.
Lúc gần 12h trưa theo giờ Việt Nam, chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia tăng 0,46%; chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 4,2%; HSI của chứng khoán Hồng Kông tăng 0,46%; Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng 0,04%.
Trên thị trường Mỹ, các chỉ số tương lai cũng cho thấy dấu hiệu của sự ổn định trở lại: S&P 500 tương lai tăng 1,38%; Dow Jones tương lai tăng 0,9%; và Nasdaq tương lai tăng 1,82%.
“Sau những diễn biến gây ‘ná thở’ và đi vào lịch sử trên khắp thị trường châu Á vào ngày hôm qua, với nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thanh lý mạnh các vị thế ký quỹ, chúng tôi dự báo một sự phục hồi chắc chắn vào ngày hôm nay”, trưởng nghiên cứu Chris Weston của công ty môi giới Pepperston phát biểu với hãng tin Reuters.
Các đồng tiền cũng đang đảo ngược diễn biến của phiên trước. Sau khi giảm 1,5% trong phiên ngày thứ Hai, đồng USD tăng giá sáng nay so với đồng yên, lên mức 145,64 yên đổi 1 USD.
So với đồng franc Thụy Sỹ, USD thu hẹp bớt mức giảm, hồi về 0,8546 franc đổi 1 USD từ mức thấp 0,8430 franc/USD trước đó.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng lên - một sự phản ứng với báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Mỹ do Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố.
Báo cáo cho thấy chỉ số này đạt 51,4 điểm trong tháng 7, trong đó chỉ số việc làm tăng 5 điểm đạt 51,1 điểm. Giới phân tích cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy thị trường có thể đã phản ứng quá mức với sự suy yếu của thị trường việc làm thể hiện trong báo cáo việc làm tháng 7 mà Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước.
“Việc xác định mức đáy của những cuộc bán tháo lịch sử như thế này là một việc khó, và nhà đầu tư sẽ tiếp tục thận trọng trước khi cầm tiền quay trở lại mua cổ phiếu”, chiến lược gia Boris Kovacevic của công ty Convera nhận định.
“Tuy nhiên, tỷ giá USD so với yên Nhật hiện đã giảm 12% so với mức đỉnh cách đây 5 tuần và đồng USD đang chìm sâu trong trạng thái bị bán quá nhiều. Bởi vậy, đồng yên ít có khả năng tăng cao hơn, nhất là khi có các số liệu kinh tế vĩ mô khả quan của Mỹ khiến các nhà đầu tư đánh giá lại khả năng kinh tế Mỹ suy thoái. Điều này sẽ giúp chứng khoán Nhật ổn định lại”, ông Kovacevic nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,84%, sau khi giảm tới 3,667%.
Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 5/8 đã có những phát biểu nhằm trấn an thị trường.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói điều “cực kỳ quan trọng” là không để cho thị trường việc làm rơi vào suy thoái. Bà Daly cũng cho biết bà cởi mở với việc giảm lãi suất nếu cần thiết và chính sách tiền tệ cần tích cực, chủ động.
Phát biểu này củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, khả năng này đang ở mức 87%.