“Vì sống chung với bố mẹ nên tôi không phải trả tiền thuê nhà. Hiện tôi đang độc thân và không có kế hoạch kết hôn hay mua nhà”, Terry Huang, một quản lý vận hành 30 tuổi của một công ty quảng tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Đây là tâm lý chung của nhiều người trẻ tại Trung Quốc hiện nay, cho thấy nhu cầu tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản vẫn đang tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Tiền tôi kiếm được chỉ đủ tiêu và tôi không tiết kiệm được nhiều trong 2 năm qua”, Huang chia sẻ.
Theo Báo cáo Youth Lifestyles Report công bố vào cuối tháng 8 của tạp chí China Newsweek, gần 80% người được hỏi cho biết không có kế hoạch mua nhà trong năm nay hay kết hôn và sẽ chỉ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu và hưởng thụ cá nhân.
Tại Trung Quốc, lập gia đình và sinh con tốn có chi phí đắt đỏ khiến nhiều người trẻ không mặn mà với việc này.
“Phần lớn người tiêu dùng trẻ Trung Quốc nhận định thu nhập của họ sẽ ở mức ổn định hoặc giảm trong năm nay. Do đó, họ có xu hướng chuyển từ theo đuổi việc mua sắm hàng hóa có thương hiệu sang mua sắm đồ dùng thiết yếu, giảm giá và mang lại giá trị cảm xúc”, khảo sát của China Newsweek cho biết.
Du lịch hoặc thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật là những hoạt động được cho là mang lại giá trị cảm xúc.
Trở lại với Huang, dù thu nhập không cao và không có nhiều tiền tiết kiệm, anh cùng một đồng nghiệp 31 tuổi của mình đã chi khoảng 1.000 Nhân dân tệ (142 USD) để xem 3 buổi biểu diễn âm nhạc từ đầu năm đến nay. Họ cũng cùng nhau đi du lịch tới vùng đồng bằng sông Dương Tử và tỉnh Quế Dương gần đó với chi phí mỗi người khoảng 4.000 Nhân dân tệ.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện với 7.725 người trong độ tuổi từ 16-40 trên khắp Trung Quốc, trong đó 48,5% người tham gia sống tại các thành phố cấp 1.
Theo kết quả khảo sát, khoảng 40% người được hỏi dự báo thu nhập khả dụng năm 2024 của họ không đổi trong năm nay và khoảng 40% dự báo thu nhập sẽ giảm so với năm ngoái. 14,6% cho biết thu nhập của họ giảm đáng kể và chỉ 3,4% nói rằng có thu nhập tăng đáng kể.
Về tiết kiệm, 17,6% người được hỏi nói rằng họ không có tiền tiết kiệm, trong khi 55,5% có tiền tiết kiệm dưới 200.000 nhân dân tệ (28.357 USD).
Về mức chi tiêu sinh hoạt trung bình hàng tháng, 78,8% tiêu ít hơn 5.000 nhân dân tệ. Chỉ 4,3% cho biết chi tiêu trên 10.000 nhân dân tệ.
Về kế hoạch tương lai, chỉ 7% người tham gia khảo sát nói rằng họ đã mua hoặc có kế hoạch mua nhà trong năm nay. Trong khi đó, 79,9% cho biết không có ý định mua bất động sản trong năm nay.
Hầu hết những người được cho biết mặt hàng họ tiêu nhiều tiền nhất là đồ ăn và thức uống. Đồ ăn uống đứng đầu trong danh sách hàng tiêu dùng mà hầu hết những người được hỏi nói rằng sẵn sàng chi tiêu vào, theo sau lần lượt là là du lịch, học tập và đào tạo, các chương trình biểu diễn nghệ thuật và triển lãm, y tế và sức khỏe.
Đáng chú ý, người tiêu dùng trẻ Trung Quốc cho biết sẽ giảm chi tiêu vào quần áo, giày dép và túi sách, cũng như sản phẩm làm đẹp và phẫu thuật thẩm Mỹ, với tỷ lệ lần lượt là 45,8% và 35,2% người được hỏi.
“Có thực sự cần thiết hay không” là câu hỏi hàng đầu khi cân nhắc chi tiêu của 83,9% người tham gia khảo sát. 46,7% cho biết họ bị thu hút bởi mức giảm giá lớn và 44,1% quan tâm tới việc sản phẩm có mang lại giá trị cảm xúc cho họ hay không.
Chỉ một phần nhỏ nói rằng họ sẵn sàng chi thêm tiền cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và hàng cao cấp có thương hiệu, với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 4,1%.
Theo ông David Wong, giảm viên Khoa Quản trị tại Đại học Hang Seng Hồng Kông, kết quả khảo sát trên cho thấy thái độ và xu hướng tiêu dùng của người trẻ Trung Quốc.
"Xu hướng này khiến việc vực dậy nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn và có thể ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào thị trường tiêu dùng nước này", ông Wong nhận định. “Với thu nhập thấp và công việc ổn định, người trẻ Trung Quốc có xu hướng không thực hiện các khoản đầu tư dài hạn hay tiêu dùng nhiều. Họ dành nhiều tiền hơn cho các nhu cầu sống cơ bản và hưởng thụ niềm vui.
Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, triển vọng sự nghiệp của người trẻ Trung Quốc không mấy sáng sủa. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 của nhóm tuổi 16-24 tại nước này, không tính sinh viên, tăng lên 18,8% từ mức 17,1% của tháng 7.
Tháng 8 là tháng đầu tiên kể từ khi một lượng kỷ lục 11,79 sinh viên mới ra trường gia nhập thị trường lao động Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 25-29, không tính sinh viên, cũng tăng lên 6,9% trong tháng 8, từ mức 6,5% của tháng trước đó.