June 14, 2023 | 10:12 GMT+7

Chứng nhận B-Corp: Từ mỹ phẩm đến thực phẩm bền vững

Băng Hảo -

Thời điểm này chính là lúc để những doanh nghiệp đang đặt môi trường và con người lên trên lợi nhuận được toả sáng. Chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh”, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố “bền vững” đang là xu hướng tiêu dùng phổ biến…

Ảnh: Triple Pundit
Ảnh: Triple Pundit

B Corporation (B-Corp), được quản lý bởi B-Lab – một doanh nghiệp phi lợi nhuận toàn cầu, là chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn cao nhất để cân bằng mục đích vì xã hội và vì lợi nhuận. Chứng nhận B-Corp tạo ra một cộng đồng nơi các doanh nghiệp vì xã hội cùng hướng đến những vấn đề chưa được giải quyết triệt để bởi chính phủ hay các doanh nghiệp phi lợi nhuận, xoay quanh ba yếu tố cơ bản (Triple Bottom Line): lợi nhuận, con người và hành tinh.

Theo trang Business Chief, trong thời đại mà nhiều công ty đang tìm cách tăng lợi nhuận, việc kiểm toán độc lập bởi một bên thứ ba như B-Lab có thể được coi là thước đo đáng tin cậy hơn về tác động của công ty tới người tiêu dùng. Theo B-Lab, có 6.180 thương hiệu trong hàng chục ngành trên khắp thế giới hiện được chứng nhận B-Corp (bao gồm cả các công ty bền vững nổi tiếng như Patagonia). Trong danh sách toàn cầu, có hơn 700 thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm và đồ uống.

Đã nhiều năm kể từ khi ngành công nghiệp làm đẹp sử dụng thuật ngữ “bền vững” để thu hút những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu không có một định nghĩa thống nhất, các công ty có thể đưa ra tuyên bố này mà không cần tuân thủ những quy định khắt khe về bảo vệ môi trường. Tìm kiếm chứng nhận từ các công ty bên thứ ba như B-Corp có thể mang đến cho người tiêu dùng sự đảm bảo rằng một thương hiệu thực sự bền vững. Các chứng nhận này đánh giá hoạt động xã hội và môi trường, tính minh bạch và trách nhiệm của một thương hiệu.

Davines được biết đến với các sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp được sản xuất bằng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương tại Ý.Một minh chứng cho cam kết của công ty về tính bền vững là chứng nhận B-Corp, khi công ty liên tục cải thiện và tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đồng thời thân thiện với môi trường. Davines cũng không sử dụng nhựa, không thải carbon và đi đầu trong lĩnh vực canh tác hữu cơ tái tạo, điều đó có nghĩa là công ty đang thực hiện các bước quan trọng để giảm thiểu tác động gây hại đến tự nhiên.

Theo B-Lab, có 6.180 thương hiệu trong hàng chục ngành trên khắp thế giới hiện được chứng nhận B-Corp.
Theo B-Lab, có 6.180 thương hiệu trong hàng chục ngành trên khắp thế giới hiện được chứng nhận B-Corp.

Aesop là một thương hiệu làm đẹp có trụ sở tại Melbourne, sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, cơ thể và tóc chất lượng cao từ năm 1987. Các sản phẩm của họ thuần chay và không thử nghiệm trên động vật. Giám đốc mảng Đổi mới của Aesop, Tiến sĩ Kate Forbes, cho biết chứng nhận B-Corp là một phần trong cam kết của thương hiệu trong việc sử dụng lợi nhuận và sự tăng trưởng của mình để tạo ra tác động tích cực đến nhân viên, cộng đồng và môi trường. Mục tiêu của thương hiệu là giữ vững tính minh bạch và tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn vượt lên cao hơn cả chứng nhận.

Le Labo là một công ty nước hoa lâu đời được thành lập ở Grasse, Pháp, được biết đến với việc mang đến những trải nghiệm cảm giác bắt nguồn từ kỹ thuật chế tạo nước hoa chậm rãi, với các loại nước hoa được pha trộn thủ công và chế tác theo đơn đặt hàng. Ngoài việc tập trung vào chất lượng và tay nghề thủ công, Le Labo còn cam kết thực hiện các trách nhiệm về xã hội và môi trường. Thương hiệu đã được công nhận vì cam kết về tính bền vững, tác động xã hội, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đạt được chứng nhận B-Corp vào tháng 2 năm 2022.

B-Lab được nhóm bạn học cũ tại Đại học Stanford, Jay Coen Gilbert, Bart Houlahan và Andrew Kassoy thành lập. Mục tiêu của B Lab nhằm giúp các doanh nghiệp có "động lực vì những điều tốt đẹp". B-Lab đã chứng nhận các B-Corps bắt đầu từ năm 2007. Chứng nhận này có một quy trình kiểm định nghiêm ngặt, trong đó hoạt động của một công ty được đánh giá trên một hệ thống tính điểm và được đo lường theo năm hạng mục chính: quản trị, nhân công, khách hàng, cộng đồng và môi trường, với 80 điểm cần thiết để vượt qua.

Một bài kiểm tra cũng được yêu cầu, bao gồm 150 đến 200 câu hỏi (tùy thuộc vào quy mô và lĩnh vực của công ty) về cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình này làm nổi bật các lĩnh vực yếu kém, đưa ra một lộ trình rõ ràng để cải thiện và các thực tiễn xã hội và bền vững tích cực cần được thực hiện để liên tục phấn đấu vì điều tốt đẹp.

Đạt được chứng nhận B-Corp cũng không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần, doanh nghiệp phải chứng nhận lại và cải thiện điểm số của mình ba năm một lần. Và các doanh nghiệp được chứng nhận này phải chịu trách nhiệm pháp lý trong việc xem xét tác động của các quyết định của họ đối với người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng và môi trường. Max Hayes, giám đốc tăng trưởng tại B-Lab Mỹ và Canada, cho biết: “Thông thường cứ sau hai năm, các tiêu chuẩn của chúng tôi ngày càng khắt khe hơn".

Bên cạnh mỹ phẩm, hiện nay nhiều công ty thực phẩm và đồ uống cũng đang trải qua quá trình đánh giá nghiêm ngặt để xác thực cam kết của họ đối với lợi ích chung. Theo tờ Vegconomist, King Arthur Baking, One Village Coffee và Numi Organic Tea là một trong những tập đoàn thực phẩm và đồ uống đầu tiên được gắn nhãn B-Corp vào năm 2007. Năm 2023, Mijenta Tequila đã trở thành nhãn hiệu rượu tequila đầu tiên của B-Corp, trong khi Maker's Mark trở thành nhà máy chưng cất rượu lớn nhất đạt được chứng nhận này.

Prime Roots, nhà sản xuất thịt Koji-Meats, hồi đầu năm đã thông báo họ trở thành công ty thực phẩm dựa trên sợi nấm đầu tiên nhận được chứng nhận B-Corp. Thông qua sự công nhận này, Prime Roots tuyên bố rằng công ty của họ sẽ mang lại lợi ích công bằng cho người tiêu dùng, nhân viên, cộng đồng và môi trường. “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được danh hiệu B-Corp và được hợp tác với các doanh nghiệp tương tự đang nỗ lực hướng tới việc tạo ra một hành tinh khỏe mạnh hơn”, công ty tuyên bố.

Chứng nhận B-Corp: Từ mỹ phẩm đến thực phẩm bền vững - Ảnh 1
Chứng nhận B-Corp: Từ mỹ phẩm đến thực phẩm bền vững - Ảnh 2
 

Prime Roots đã chuyển đổi từ một công ty chủ yếu tập trung vào các bữa ăn chế biến sẵn thành một thương hiệu thịt nguội từ thực vật. Với mục tiêu phá vỡ ngành công nghiệp đồ nguội số lượng lớn trị giá 300 tỷ đô la, Prime Roots tạo ra những lát thịt nguội thực tế bằng cách sử dụng sợi nấm koji. Theo công ty, koji là một thành phần truyền thống được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chế biến các món ăn như tương miso và nước tương, đồng thời là thành phần phổ biến trong các nhà hàng được gắn sao Michelin. Thịt Koji của thương hiệu cũng là sản phẩm không GMO, không chứa đậu nành, cholesterol, nitrat, hormone và kháng sinh.

Nhà đồng sáng lập Kimberlie Le cho biết: “Mục tiêu của các doanh nghiệp tiến bộ ngày nay là tạo ra một mạng lưới sản phẩm bền vững và công bằng trên phạm vi toàn cầu. Việc đạt chứng nhận B-Corp giúp doanh nghiệp làm nổi bật thương hiệu vì xã hội, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút được nhiều hơn nhân lực, khách hàng và đối tác tiềm năng. Đồng thời, B-Corp như là tấm bằng cho thấy các doanh nghiệp đang thực sự hành động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì những ảnh hưởng tích cực lên xã hội và hành tinh của chúng ta”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate