May 16, 2023 | 16:17 GMT+7

Các thương hiệu tìm cách ứng phó trước lệnh cấm tiêu hủy áo quần của EU

Băng Hảo -

Đề xuất này cần được tất cả các nước EU phê duyệt và được Nghị viện châu Âu nhất trí trước khi trở thành luật. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ bỏ phiếu về đề xuất vào ngày 22/5 tới đây…

Ảnh: Euronews
Ảnh: Euronews

Ngành công nghiệp thời trang chứa đầy những câu chuyện về cách các thương hiệu xử lý hàng tồn kho. Chẳng hạn vào năm 2018, Burberry từng trở thành tâm điểm bàn luận khi đem đốt hầu hết các thiết kế lỗi mốt trị giá hàng chục triệu USD. Tin tức đã khiến các nhà đầu tư và người tiêu dùng phẫn nộ nhưng không gây bất ngờ gì với những người ở trong ngành thời trang. Sau đó, trước làm sóng chỉ trích vì lãng phí và gây hại tới môi trường, nhà mốt Anh tuyên bố rằng họ sẽ ngừng hoạt động này bắt đầu từ năm 2019.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về vấn đề tiêu huỷ quần áo, túi xách trong ngành thời trang. Việc tiêu hủy hàng tồn kho (thậm chí cả cuộn vải không sử dụng) là điều phổ biến đối với các thương hiệu xa xỉ nhằm duy trì tính độc quyền. Nhiều ý kiến cho rằng với sản phẩm không bán được thì thương hiệu có thể áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu. Tuy nhiên nếu người tiêu dùng giữ tâm lý chờ đến ngày giảm giá mới mua hàng thay vì sắm đồ ngay khi mới lên kệ, thì sẽ làm giảm giá trị thương hiệu.

Hồi đầu năm 2020, Pháp đã cấm các công ty thời trang và hàng xa xỉ tiêu huỷ các mặt hàng không bán được hoặc bị trả lại. Theo The Guardian, Pháp là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách chống lại việc xử lý hàng hóa tồn kho. Tháng 3 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cũng đã đưa ra dự thảo về Quy định thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR) nhằm khuyến khích tái chế và tái sử dụng các sản phẩm tiêu dùng trên toàn khối.

Việc tiêu hủy hàng tồn kho (thậm chí cả cuộn vải không sử dụng) là điều phổ biến đối với các thương hiệu xa xỉ.
Việc tiêu hủy hàng tồn kho (thậm chí cả cuộn vải không sử dụng) là điều phổ biến đối với các thương hiệu xa xỉ.

EC lưu ý việc tiêu hủy các sản phẩm tiêu dùng không bán được hoặc bị trả lại, chẳng hạn như hàng dệt may và giày dép đã trở thành “một vấn đề môi trường phổ biến” do doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng. “Việc tiêu hủy sản phẩm tiêu dùng không bán được dẫn đến sự mất mát các nguồn lực kinh tế có giá trị vì hàng hóa được sản xuất, vận chuyển và sau đó bị tiêu hủy mà không bao giờ được sử dụng cho mục đích dự kiến của chúng”, EC cho biết. Tuy nhiên, EC không đề xuất cấm tiêu hủy quần áo không bán được, thay vào đó, yêu cầu tất cả các công ty lớn báo cáo về số lượng hàng tồn kho bị loại bỏ.

Hôm 12/5 vừa qua, nhiều nước thành viên EU đã ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn: cấm tiêu hủy “quần áo hoặc phụ kiện quần áo” không bán được. Đây là một nỗ lực giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp dệt may, vốn đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính của EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ngành dệt may và một số doanh nghiệp cho rằng quá nhiều quy định về môi trường có nguy cơ bóp nghẹt các nền kinh tế châu Âu.

Theo Financial Times, vào đầu tuần này, các nước như Thụy Điển, quê hương của hãng bán lẻ thời trang khổng lồ H&M, đã kêu gọi loại bỏ đề xuất về lệnh cấm này khỏi ESPR nhưng không thành công. Pháp, Đức và Hà Lan nằm trong số các nước thành viên EU thúc đẩy đưa đề xuất này vào ESPR. “Đề xuất này rất phù hợp với mục tiêu của EU về các mục tiêu tái chế và môi trường. Tôi không cho rằng điều này sẽ gây gánh nặng cho các doanh nghiệp”, một nhà ngoại giao EU nói.

Trước đó, EC từng yêu cầu tất cả các công ty lớn phải báo cáo về số lượng hàng tồn kho bị loại bỏ.
Trước đó, EC từng yêu cầu tất cả các công ty lớn phải báo cáo về số lượng hàng tồn kho bị loại bỏ.

Theo đề xuất, các doanh nghiệp nhỏ sẽ được miễn lệnh cấm và các doanh nghiệp vừa, có tổng số nhân viên dưới 250 người và doanh thu hàng năm thấp hơn 50 triệu euro, sẽ có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh trước khi thực hiện lệnh cấm. Thông tin chi tiết khác vẫn đang được thảo luận. Theo EC, đề xuất cấm tiêu hủy quần áo không bán được sẽ giúp tránh lãng phí đồng thời không khuyến khích sản xuất quá mức. Bên cạnh đó, biện pháp này cũng ngăn chặn tình trạng méo mó của thị trường, cũng như giúp giảm tác động môi trường của ngành dệt may.

Sự thật là hàng tồn kho là gánh nặng đối với các nhà bán lẻ. Theo Eluxe Magazine, việc loại bỏ hoặc lưu trữ hàng tồn kho tiêu tốn của các nhà bán lẻ Mỹ khoảng 50 tỷ USD mỗi năm. Nếu tính toàn cầu, chi phí này còn lớn hơn rất nhiều. Bridget Veals, Tổng giám đốc quần áo, giày dép và phụ kiện nữ của cửa hàng bách hoá cao cấp David Jones cho biết nhiều nhà bán lẻ hiện đã áp dụng các hoạt động mua hàng bền vững hơn để giảm lượng hàng dư thừa vào cuối mùa.

Chẳng hạn, số hàng tồn kho sẽ được phân loại thành các nhóm: một số chuyển đến Thread Together (tổ chức phi lợi nhuận nhằm thu gom quần áo dư thừa cho những người cần), một số đi vào thị trường cho thuê và số khác đi đến các đối tác từ thiện như Hội chữ thập đỏ. Những thương hiệu khác còn hàng tồn kho có thể chọn cách lưu trữ hàng để bán tại kho và cửa hàng riêng, bán tại chỗ hoặc ký gửi hàng cho các nền tảng trực tuyến.

Hay các nhà thiết kế có thể tận dụng các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế. Tập đoàn xa xỉ Kering quyết định rằng thay vì đốt vải cũ, họ quyên tặng những loại vải đó cho các nhà thiết kế đang phát triển để sử dụng. Tập đoàn xa xỉ LVMH cũng hợp tác với WeTurn, công ty thu gom quần áo và nguyên liệu không bán được để tái chế thành sợi và vải mới.

Các nhà thiết kế có thể tận dụng các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế.
Các nhà thiết kế có thể tận dụng các vật liệu bỏ đi hoặc còn sót lại để tái chế.

May mắn thay, công nghệ cũng đang giúp các nhà bán lẻ quản lý tốt hơn những gì xảy ra với quần áo không bán được. Theo Sydney Morning Herald, tập đoàn Kering hiện chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để quản lý tốt hơn nguồn hàng của mình. Đối thủ cạnh tranh của Kering là LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới với các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior và Celine cũng đang thay đổi để phù hợp với xu thế chung. Helene Valade, Giám đốc phát triển Môi trường ở LVMH nói: "Mô hình kinh doanh xa xỉ cần được điều chỉnh chặt chẽ dựa trên nhu cầu thực".

Điều đó có nghĩa luật mới đang thúc đẩy các nhà mốt sang trọng tìm hiểu nhiều hơn về khách hàng của họ. Qua đó, thương hiệu dự đoán tốt hơn lượng mua và giảm lượng tồn kho xuống mức tối thiểu. Bà Helene Valade cho biết Louis Vuitton đang làm khá tốt trong việc theo dõi nguồn hàng của mình. "Thương hiệu biết chính xác những gì họ có trong kho và quản lý chúng đến từng milimet. Không phải nhà mốt nào cũng làm được điều này", bà nói thêm.

Ngoài việc thay đổi cách quản lý nguồn hàng, các thương hiệu cũng có những giải pháp khác để xử lý hàng tồn. Thay vì bán cho khách hàng với giá rẻ, họ chọn để lại cho nhân viên với mức giá tốt. Các tập đoàn thời trang lớn này đều có đội ngũ nhân viên đông đảo. Với LVMH là 150.000 nhân viên, Kering là 38.000 người. Thậm chí, một số thương hiệu cải tiến nền tảng mua sắm trực tuyến bằng cách cho phép đặt hàng trước và sản xuất theo nhu cầu giúp giảm lãng phí.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate