Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, cho biết Việt Bắc là địa danh lịch sử cách mạng ở phía Đông Bắc. Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và vinh dự được lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo toàn dân kháng chiến giành chính quyền.
Với tổng diện tích tự nhiên trên 37,2 km2, dân số trên 4,5 triệu người, các tỉnh vùng Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, Việt Bắc là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Với đặc trưng về địa hình, khí hậu của các tỉnh miền núi, các tỉnh Việt bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng hiện đang là điểm đến thú vị, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch, UBND các tỉnh Việt Bắc đã ký kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hà Giang vào năm 2009.
Qua 14 năm luân phiên tổ chức tại các tỉnh trong khu vực, chương trình đã góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó Việt Bắc được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011. Đến nay, năm 2024 hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” bước sang năm thứ 15 đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có, đặc sắc của 6 tỉnh Việt Bắc - 1 điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Không chỉ là vùng đất thiêng lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu, Việt Bắc được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan hùng vĩ được nhân dân các dân tộc nơi đây giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị như: Thác Bản Giốc; Vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén, Danh thắng cảnh quốc gia Động Ngườm Ngao; Công viên địa chất toàn cầu non nước (Cao Bằng). Với Lạng Sơn là hình ảnh nổi tiếng Nàng Tô Thị cùng với nhiều hang động kỳ ảo như động Tam Thanh, Nhị Thanh…; đỉnh Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.541m so với mặt nước biển, có khí hậu ôn hòa, từ lâu đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách.
Hà Giang - mảnh đất địa đầu Tổ quốc với nhiều cảnh đẹp làm nao lòng người, tự hào và kiêu hãnh với cột cờ Lũng Cú khẳng định chủ quyền lãnh thổ và sự trường tồn của quốc gia; cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu di sản thiên nhiên thế giới; Mã Pí Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo với vẻ đẹp kỳ vĩ…
Tỉnh Bắc Kạn, với di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới), được mệnh danh là viên ngọc xanh của nhân loại; thăm khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn; khu di tích Nà Tu.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc đã giới thiệu tổng thể nội dung của sự kiện Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV-Bắc Kạn năm 2024 mà tỉnh Bắc Kạn là địa phương đăng cai tổ chức; sự kiện diễn ra từ ngày 24 đến ngày 29/8/2024.
Ông Phạm Duy Hưng tin tưởng rằng, với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, cùng với sự nhiệt tình mến khách của nhân dân các tỉnh Việt Bắc cùng sự quan tâm, phối hợp và liên kết của các doanh nghiệp, công ty lữ hành và sự ủng hộ của các cơ quan thông tấn, báo chí, 6 tỉnh Việt Bắc sẽ trở thành “Điểm đến du lịch” lý thú, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.