Lượng du khách đến Thủ đô từ đầu năm đến nay đạt trên 14 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6%. Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn có ý nghĩa đóng góp rất lớn cho hoạt động chính trị, văn hóa trên địa bàn thủ đô.
Nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến Hà Nội, nhất là trong dịp hè thu và các ngày kỷ niệm lớn sắp tới, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao của Hà Nội, các hiệp hội, doanh nghiệp phát động chương trình kích cầu “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 - 5 sao của Hà Nội”. Chương trình nhằm quảng bá, thu hút người Hà Nội đi du lịch tại chỗ và du khách hạng sang trải nghiệm dịch vụ, lưu trú tại các khách sạn cao cấp của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, bên cạnh việc đưa ra các gói sản phẩm lưu trú hấp dẫn, Sở Du lịch kỳ vọng hơn nữa sự hưởng ứng, tham gia, phối hợp của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm kích cầu, thu hút du khách và người dân Hà Nội trải nghiệm sử dụng dịch vụ lưu trú tại các khách sạn hạng sang.
Đồng thời, cơ quan quản lý, các hiệp hội, hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… hình thành liên kết, hợp tác nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố.
Theo đó, lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10) , 79 năm Quốc khánh (2/9) và diễu binh kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) được kỳ vọng sẽ là những nam châm du lịch của Hà Nội. Ông Christopher Marcel Strahm, Tổng Giám đốc Khách sạn Pan Pacific, cho rằng lễ kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô sẽ là một dịp đặc biệt.
Theo tổng giám đốc, khách sạn đã chuẩn bị nhiều gói giảm giá cho khách như giảm 10% giá phòng nếu đặt phòng trước ngày nhận phòng 30 ngày. Khách lưu trú tại Pan Pacific Hà Nội cũng sẽ nhận được phiếu đồ uống chào mừng miễn phí tại Red River Bar và giảm giá 15% các dịch vụ ăn uống tại khách sạn.
Trong khi đó, khách sạn Apricot có các gói sản phẩm combo phòng và miễn phí trà chiều; combo phòng và bữa tối tại nhà hàng L'Artise/chuyến xe sân bay; combo phòng và miễn phí bữa tối hoặc xe đón sân bay. Với khách sạn Hotel de l’Opera Hanoi, ưu đãi cho dư khách sẽ là combo “Summer Indulgence Staycation” gồm: 1 đêm nghỉ sang trọng bao gồm bữa sáng buffet tại nhà hàng Lautrec cho 2 khách; miễn phí 1 gói massage toàn thân, miễn phí nhận phòng sớm (sau 10 giờ sáng) và trả phòng muộn (trước 3 giờ chiều)...
Tương tự, khách sạn Sofitel Legend Metropole tung ra “Gói kỳ nghỉ trong thành phố”, “Gói trà chiều sang trọng” cho 2 người lớn; voucher mua sắm trị giá 500.000 đồng tại tiệm bánh L'Epicerie của Metropole… Khách sạn Fortuna giới thiệu combo giá phòng, sử dụng miễn phí phòng tập/bể bơi/phòng xông hơi; combo giá phòng nghỉ, sử dụng miễn phí phòng tập/bể bơi/phòng xông hơi và ăn trưa hoặc ăn tối…
Giám đốc kinh doanh hệ thống khách sạn Silk Path Nguyễn Thanh Thủy cho biết nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm nên khách sạn Silk Path hướng tới nhóm khách gia đình, khi trẻ em được nghỉ hè. Vì vậy, khách sạn giảm giá 15%, cho phép nhận phòng sớm lúc 10 giờ và trả phòng muộn lúc 14 giờ, để khách có nhiều thời gian trải nghiệm hơn. Hệ thống khách sạn A25 thì có chương trình dành cho du học sinh nước ngoài về Hà Nội. Theo đó, trong thời gian nghỉ hè, du học sinh nước ngoài về Hà Nội lưu trú tại khách sạn sẽ được giảm 30% giá niêm yết, miễn phí 1 bữa tại khách sạn dành cho 2 người...
Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều cơ sở lưu trú hạng sang cũng có chương trình kích cầu vào dịp hè. Quản lý khu resort Melia Ba Vì Hoàng Văn Phương cho biết đơn vị triển khai chính sách khách đến nghỉ được trải nghiệm nhiều hoạt động tham quan, đặc biệt là cắm trại, teambuilding miễn phí. Còn khu nghỉ dưỡng Glory Resort (Sơn Tây) áp dụng chương trình giảm giá một số ngày để thu hút khách lưu trú ở lại lâu hơn.
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy hiện Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng. Cụ thể, có 607 khách sạn, khu căn hộ được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với tổng số 26.641 phòng. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến và lưu trú tại Hà Nội đã đông hơn. Trong 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 63,9%, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số khách sạn 4-5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE.
Bên cạnh đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các sự kiện quan trọng của thành phố, ngành Du lịch Hà Nội cũng sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội, chương trình hợp tác, xúc tiến du lịch. Cụ thể, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Hà Nội đến để yêu - Thức quà Hà Nội” diễn ra từ ngày 23 - 25/8 tại phố đi bộ Trần Nhân Tông. Festival Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 chủ đề “Tinh hoa Áo dài” dự kiến diễn ra từ ngày 4 - 6/10 tại Hoàng thành Thăng Long và các điểm vệ tinh trên địa bàn thành phố...
Trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch Thủ đô cũng sẽ tập trung vào chuỗi chương trình, sự kiện khác nữa, như: hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội... Đặc biệt là khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các di sản - di tích ở huyện Đan Phượng, huyện Sóc Sơn; mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ và Quốc Oai; sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến ven sông Hồng, sông Đuống…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, các hoạt động quảng bá hình ảnh điểm đến, kích cầu du lịch nội địa nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Thủ đô với các giá trị và sản phẩm du lịch, dịch vụ khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh gắn với thị trường cụ thể nhằm thu hút mạnh mẽ khách du lịch nội địa đến với Hà Nội, nhất là vào thời gian thấp điểm hiện nay.