December 09, 2024 | 10:09 GMT+7

Chuyển Công an vụ mạo danh để lừa đảo người muốn đi lao động nước ngoài

Phúc Minh -

Thời gian gần đây xuất hiện một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mạo danh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Lao động ngoài nước, nhằm lừa đảo những người muốn đi làm việc tại nước ngoài…

Văn bản giả mạo chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và Trung tâm Lao động ngoài nước. Ảnh: MOLISA.
Văn bản giả mạo chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và Trung tâm Lao động ngoài nước. Ảnh: MOLISA.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ ngăn ngừa thông tin giả mạo về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, thời gian gần đây, qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ phát hiện một số trang thông tin, mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin sai sự thật về các chương trình đưa người đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia...

Đặc biệt một số tổ chức, cá nhân giả mạo Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ làm giả công văn, con dấu với hứa đưa người lao động đi làm việc nhằm lừa đảo, thu tiền trái quy định, làm ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình triển khai chính sách của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cũng như công tác phối hợp với đối tác nước ngoài. Đồng thời gây thiệt hại cho người lao động.

Cụ thể, các đối tượng lập Fanpage có tên "Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ LĐTBXH", "Tư vấn XKLĐ - Asian"… mạo danh là Cổng thông tin của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước.

Ngoài ra, các đối tượng mạo danh chữ ký của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đăng tải nội dung kèm theo hình ảnh Lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin để dụ dỗ người lao động tham gia các chương trình làm việc tại Australia, chương trình EPS (Hàn Quốc)…, thông qua các fanpage (trang tương tác được tạo từ tài khoản facebook cá nhân hoặc doanh nghiệp), và website (trang web) giả mạo.

Trong một văn bản giả mạo Trung tâm Lao động ngoài nước với chữ ký Giám đốc Đặng Huy Hồng, kẻ gian yêu cầu người lao động đóng 60 triệu đồng nhằm "chứng minh tài chính đủ điều kiện tham gia đơn hàng theo quy định", rồi mới được xét duyệt hồ sơ và gửi lịch hẹn ký hợp đồng, đợi ngày xuất cảnh.

Trong một "đơn hàng" giả mạo tuyển dụng lao động thời vụ đi Hàn Quốc tháng 9/2024, kẻ gian đăng tuyển 1.800 người, cuối văn bản đóng dấu và chữ ký Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan với chức vụ "Chánh văn phòng" Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các văn bản giả mạo đính kèm hầu hết có nội dung tương tự chương trình của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng đơn vị trực thuộc đang hoặc sắp triển khai, nêu rõ các bước chuẩn bị hồ sơ để đánh lừa người lao động.

Kẻ gian thậm chí nhắn địa chỉ thật của Trung tâm Lao động ngoài nước và cho biết "làm việc 24/7", song khi nạn nhân tìm đến thì không liên lạc được. Nạn nhân của hình thức lừa đảo này đến từ nhiều tỉnh thành, như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định...

Liên quan đến vụ việc này, về phía Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết Trung tâm là đơn vị sự nghiệp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, được Bộ giao thực hiện các chương trình phi lợi nhuận: Chương trình EPS (Hàn Quốc), Chương trình PALM (Astralia)...

Đơn vị này cũng khẳng định chỉ thực hiện phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Thông qua việc đăng ký dự thi tiếng Hàn trực tiếp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và làm thủ tục trực tiếp với Trung tâm lao động ngoài nước, không thông qua trung gian.

Hiện nay, Trung tâm cũng đang trong giai đoạn trao đổi, đàm phán với phía Australia, chưa triển khai tuyển chọn lao động. Khi được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép triển khai chính thức, Trung tâm sẽ đăng tải công khai, đầy đủ trên website.

Nhằm ngăn chặn vấn nạn trên, và tránh ảnh hưởng đến chính sách đưa người đi làm việc tại nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, công an các tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate