October 01, 2024 | 15:32 GMT+7

Chuyển đổi công nghiệp tạo dư địa mới cho phát triển bền vững

Hải Vân -

Đóng góp của TP.HCM vào tăng trưởng kinh tế cả nước ngày càng giảm, riêng công nghiệp đang dần “hụt hơi”... Thành phố xác định chuyển đổi công nghiệp là động lực cho hành trình mới. Để làm được việc này, TP.HCM cần tháo gỡ các điểm nghẽn, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi trong công nghiệp nhằm tạo dư địa mới cho phát triển bền vững...

TP.HCM đang đứng trước những thách thức phát triển mới. Ảnh minh họa.
TP.HCM đang đứng trước những thách thức phát triển mới. Ảnh minh họa.

Tại phiên đối thoại với Thủ tướng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (Ho Chi Minh Economic Forum - HEF) lần thứ 5 tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng được các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện”.

CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐANG DẦN HOÀN THIỆN

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong Dự thảo Kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một. Đặc biệt, trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất.

Cụ thể, thứ nhất, hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; thứ hai, hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, sẽ có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn. Ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, còn có nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tới 2 quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép), đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau.

Ông Phương cũng cho biết thêm vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. “Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo ông Phương, có 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế, gồm: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công. Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan, từ năm 2016 đến nay, ngành công nghiệp TP.HCM đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm.

Dù vậy, ông Hoan nhận định, bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp TP.HCM đang đứng trước những thách thức như phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi.

CỦNG CỐ VAI TRÒ ĐẦU TÀU KINH TẾ

Thực tế, kinh tế TP.HCM trong quý 2 vừa qua đã tăng chậm hơn quý 1, khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 thấp nhất khu vực Đông Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện tại, tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của TP.HCM.

 

"Mấu chốt nhất của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Chính vì vậy, hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng, miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để tạo hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để tạo hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất".

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đồng tình, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm về GRDP và  tỷ lệ xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, quy mô giảm khá nhanh. Năm 2023, giá trị gia tăng chỉ  đạt 12 tỷ USD và chiếm 19% GRDP của Thành phố, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%.

Từ năm 2000, TP.HCM đã dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và doanh nghiệp thâm dụng lao động. Sự ra đời của Khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung là những ví dụ điển hình.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, kinh tế số đóng góp gần 15% GRDP của TP.HCM, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỷ USD. TP.HCM cũng lọt top 100 thành phố có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Bình An, đến nay TP.HCM mới chỉ có những mô hình ban đầu về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn cũng còn nhiều vướng mắc. Mặc dù, Thành phố có lượng lớn doanh nghiệp, chiếm 1/3 cả nước, nhưng năng lực cạnh tranh nhìn chung còn khiêm tốn, thiếu doanh nghiệp dẫn đầu.

Mặt khác, các ngành công nghiệp của TP.HCM đang phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động và đã đạt ngưỡng giới hạn, trong khi chi phí thuê đất hiện cao nhất cả nước.

Để TP.HCM quay lại đà tăng trưởng, theo ông Phạm Bình An, cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không song song với thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, hạ tầng số. TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), đồng thời phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.

Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp – khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sinh thái.

Ngoài ra, Thành phố phải tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, số, công nghệ cao cũng sẽ đòi hỏi nguồn tài chính lớn cũng là vấn đề rất quan trọng. Vì hiện nay, việc thu xếp các nguồn tài chính mới đang ở dạng tiềm năng, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận còn thấp.

Từ góc nhìn vĩ mô, ông Rich Meclellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI), cho rằng một trong những nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của TP.HCM là tình trạng chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2024 phát hành ngày 30/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển đổi công nghiệp tạo dư địa mới cho phát triển bền vững - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate