December 02, 2024 | 12:18 GMT+7

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất còn nhiều khó khăn

Song Hà -

Việc ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất còn thấp. Hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản như thiếu kỹ năng số, thiếu nền tảng công nghệ thông tin, thiếu tư duy kỹ thuật số…

Ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế
Ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế

Tại tọa đàm “Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, nhiều ý kiến nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo là rất cần thiết. Việc thực hiện chuyển đổi số, hướng tới sản xuất thông minh tuy tạo ra nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

CƠ HỘI “ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU”

Ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết các doanh nghiệp “đi tắt, đón đầu” có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục vụ công tác chuyển đổi số của mình. Hàng năm Bộ Công Thương đều triển khai các chương trình, các kế hoạch theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và được cụ thể hóa ở Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ.

Thông qua các chương trình này, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ phía các chuyên gia, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Các hoạt động đào tạo cũng được tổ chức thường xuyên, không những về quản trị, đào tạo kỹ thuật mà còn hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, mô hình mới.

Một thuận lợi nữa là nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay rất dồi dào, nhất là nguồn nhân lực trẻ, hấp thụ nhanh các kiến thức đổi mới. Cùng với đó, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với các doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn lớn như Samsung, Toyota, Honda... để học hỏi và hấp thu các kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

Có thể nhìn thấy những mô hình chuyển đổi số từ rất sớm và rất thành công. Điển hình là Công ty cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT). Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng giám đốc Hanel PT, cho biết Công ty đã tiếp cận với việc chuyển đổi số và quản trị dữ liệu thông minh từ năm 2010.

Khi đó, doanh nghiệp đã đầu tư một số tiền rất lớn vào hệ thống về quản trị dữ liệu doanh nghiệp và định hướng chuyển đổi được mô hình sản xuất từ thô sơ, lắp ráp (chiếm 80-90%) sang sản xuất tập trung, tự động hóa thông minh hơn. Hanel PT đã nâng được tỷ lệ tự động hóa trong nhà máy lên 60% và tỷ lệ lắp ráp bằng tay chỉ còn 40%. Đến nay, Hanel PT đạt mức tăng trưởng 300% về doanh số. Đặc biệt khách hàng ở nước ngoài, nhất là các đối tác Nhật Bản rất tin tưởng và tiếp tục nhận thêm các đơn hàng mới.

Tuy vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất nói chung còn nhiều khó khăn do năng lực nội tại còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực về tài chính hạn hẹp. Trong khi đó, để đầu tư vào các công nghệ sản xuất mới cần có tài chính dồi dào và nguồn nhân lực chất lượng để học hỏi, lĩnh hội các công nghệ tiên tiến…

Bên cạnh đó, khó khăn trong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý chất lượng. “Việc chuyển đổi số không dễ dàng, khó khăn lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp chính là sự cam kết của ban lãnh đạo. Nếu bản thân ban lãnh đạo chưa có một chiến lược rõ ràng, chưa quyết tâm với chiến lược đó thì chắc chắn việc chuyển đổi số sẽ không thành công”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hơn nữa, trong quá trình chuyển đổi số cần những nhân sự trong nội bộ là những người hiểu rõ về chuyển đổi số. Bởi vì không ai ngoài những người trong doanh nghiệp có thể hiểu được sức khỏe, tình trạng của doanh nghiệp mình và cần ứng dụng các công cụ của chuyển đổi số như thế nào. Đặc biệt, chuyển đổi số rất tốn kém, phải đầu tư nhiều, trong khi chưa nhìn thấy được khoản thu lại trong ngắn hạn. Đây lại là những lĩnh vực mới, đòi hỏi kỹ thuật triển khai cũng như đội ngũ nhân sự phải có trình độ phù hợp.

DOANH NGHIỆP MUỐN ĐƯỢC HỖ TRỢ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Ông Nguyễn Văn Minh, Quản lý dự án, Công ty cổ phần Đầu tư AMA Holdings, cho biết khi bắt đầu nhắc đến chuyển đổi số, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã nhen nhóm có những kế hoạch và mong muốn thực hiện. Vì vậy, vấn đề chuyển đổi số là gì, làm như thế nào... cũng đã được định hình trước. Tuy nhiên, bắt đầu thực hiện như thế nào, từ điểm nào, giải quyết ở khâu nào lại là khó khăn.

Doanh nghiệp bối rối trong việc bắt đầu, bởi nhà máy đang thực hiện sản xuất theo phương thức truyền thống, tất cả đều được ghi chép, đánh máy tính, in ra và chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác. Nhưng khi thực hiện chuyển đổi số, những người quản lý có thể nhanh chóng tiếp cận được ngay, song đối với công nhân, quản lý dây chuyền lại cần thời gian để đào tạo, giám sát.

Để có thể nắm bắt được các xu hướng chuyển đổi số, các ý kiến đều đồng tình cho rằng doanh nghiệp cần phải đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data, IoT…Cùng với đó, đào tạo về kỹ năng, công nghệ cho các đội ngũ cán bộ quản lý, thậm chí là đội ngũ nhân viên và phát triển đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế với các tập đoàn lớn để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng hơn trong việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất, hướng đến phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Đại diện Hanel PT cho rằng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần những nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan. Bộ Công Thương cũng như Chính phủ cũng đang có các chương trình hỗ trợ về tài chính, đào tạo, tuy nhiên doanh nghiệp cũng đề nghị cần cụ thể hóa hơn, đơn giản hơn.

Liên quan đến hỗ trợ về tài chính, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận với các gói tài chính, vay vốn với lãi suất ưu đãi tốt, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và đơn giản hoá các quy trình, thủ tục xin hỗ trợ, hay có những nguồn ngân sách từ hỗ trợ phát triển R&D. Chính phủ có thể đưa các chính sách hỗ trợ cho một nhóm, một hệ thống để doanh nghiệp có được sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Trần Kiên Dũng, Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số đi vào thực chất, nhanh chóng hình thành sản xuất thông minh, bắt kịp xu hướng sản xuất trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi theo hai nhóm: IT (công nghệ thông tin) và OT (Operational Technology - công nghệ vận hành), hai công nghệ này phải vận hành song song và đồng bộ với nhau.

Cụ thể, doanh nghiệp cần chuẩn hóa hiện trường sản xuất, chuẩn hóa hệ thống quản lý của doanh nghiệp, các quy trình cần phải được sắp xếp lại, tối ưu hóa lại, vận hành một cách liên tục, trơn tru để có thể thu được các dữ liệu chính xác, dữ liệu sạch. Bên cạnh đó, hiện trường sản xuất cũng cần sắp xếp lại, sau đó chuẩn hóa các luồng sản xuất. Sau tất cả những việc đó mới bắt đầu số hóa những dữ liệu đã thu nhận được và kết hợp nhuần nhuyễn giữa IT và OT.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Chu Việt Cường cho biết hiện nay Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp từ nguồn lực tài chính, chẳng hạn cho vay vốn, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số; đồng thời, sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hướng tới áp dụng công nghệ 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới năm 2030. “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.

Các ban, ngành liên quan và địa phương cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục về hành chính, pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số và nhà máy thông minh nhanh hơn.

Đối với các tổ chức tài chính, ông Cường đề xuất cần có những chính sách ưu đãi về thuế hay cho vay tín dụng, vay vốn trong thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn.

Hiệp hội ngành nghề cần là cầu nối các doanh nghiệp với nhau để thông qua đó, các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý của doanh nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2024 phát hành ngày 2/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất còn nhiều khó khăn  - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate