Tại hội thảo “Quản trị Biến đổi khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp” do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA) tổ chức ngày 14/5, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HGBA, cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc chiến lược phát triển theo hướng bền vững. Hoạt động của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tạo ra những thách thức và trách nhiệm lớn hơn trong quản trị.
Do đó, quản trị hiệu quả và quản trị phát triển bền vững cần được lồng ghép, trong đó quản trị biến đổi khí hậu phải được xem là yếu tố trọng tâm trong chiến lược dài hạn. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi tầm nhìn xa, cam kết thực chất và đạo đức lãnh đạo từ những người đứng đầu doanh nghiệp.
CHUYỂN ĐỔI XANH BẮT ĐẦU TỪ TƯ DUY LÃNH ĐẠO
Theo Báo cáo khảo sát “Tình hình khu vực Đông Nam Á năm 2025” của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS- Yusof Ishak Institute), đa số người dân Đông Nam Á (55,3%) cho rằng vượt qua cả nỗi lo thất nghiệp và suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan mới chính là thách thức lớn nhất của khu vực hiện nay.
Đây là con số lớn nhất kể từ lần đầu tiên khảo sát vào năm 2019. Trong đó tại Việt Nam, nơi đã hứng chịu những cơn bão lớn trong thời gian qua, có 70,3% người dân đồng tình với ý kiến này.
Mỗi doanh nghiệp có thể bắt đầu từ một điểm khác nhau, nhưng để đi đến đích của phát triển bền vững, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hội đồng quản trị cần có tư duy đúng và dài hạn.
Theo ông Simon C.Y. Wong, Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững, Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL), cho biết hành động vì khí hậu không thể là những nỗ lực rời rạc, mà phải được nhìn nhận như một quá trình lâu dài và toàn diện đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
“Muốn chuyển đổi thực chất, vấn đề khí hậu cần được đưa vào trọng tâm của cấu trúc quản trị, từ Hội đồng Quản trị đến ban điều hành”, ông Simon nhấn mạnh.
Điều quan trọng là ban điều hành phải xây dựng được sự đồng thuận với Hội đồng Quản trị, lan tỏa nhận thức và cam kết tới toàn bộ đội ngũ lãnh đạo cấp cao cũng như trong toàn tổ chức. Theo ông Simon, đây không chỉ là bài toán kỹ thuật hay tài chính, mà là vấn đề về năng lực quản trị và văn hóa doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Secoin, cho rằng mỗi doanh nghiệp có thể bắt đầu từ một điểm khác nhau, nhưng để đi đến đích của phát triển bền vững, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hội đồng quản trị cần có tư duy đúng và dài hạn.
TỪ “ÔNG LỚN” ĐẾN SME: KHÔNG AI ĐỨNG NGOÀI XU THẾ XANH HÓA
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cho biết là doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông sản như tiêu, cà phê... để tiếp cận và giữ vững các thị trường lớn như EU, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về ESG. “Truy xuất nguồn gốc minh bạch, các chứng nhận quốc tế không còn là lợi thế mà là yêu cầu đối với nhiều thị trường”, ông Thông nói.
Việc áp dụng các nguyên tắc ESG không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn trực tiếp mang lại giá trị kinh tế.
Theo ông Thông, doanh thu tăng trưởng bền vững, đối tác đánh giá cao hơn và quan trọng là uy tín của doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt trên thị trường quốc tế. “Phát triển bền vững là xu thế bắt buộc, nếu không bắt đầu từ bây giờ, doanh nghiệp sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi”, ông Thông khẳng định.

Thành lập từ năm 1989, nhìn lại câu chuyện phát triển bền vững của chính doanh nghiệp, bà Vũ Thị Liên Hương chia sẻ: “Trước đây khái niệm này còn đơn giản, chủ yếu xoay quanh việc tiết kiệm nhiên liệu, sản xuất ra những sản phẩm ít gây hại cho môi trường như những viên gạch thân thiện với môi trường mà chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu và đưa ra thị trường từ hơn 30 năm trước”.
Tuy nhiên, hiện nay, phát triển bền vững đã mở rộng thành một hệ sinh thái toàn diện, không chỉ dừng lại ở sản phẩm cuối cùng mà phải bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất, vận chuyển, đóng gói đến các hoạt động marketing và tiêu dùng.
Theo bà Hương, "đây là một hành trình dài, đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới và hoàn thiện để bắt nhịp cùng xu thế toàn cầu".
Là doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói- lĩnh vực thường bị “gắn” với phát thải lớn, doanh nghiệp nỗ lực để chứng minh điều ngược lại. Theo đó, doanh nghiệp đã chủ động cung cấp các bằng chứng rõ ràng nhất cho khách hàng, từ chứng nhận xanh cho nhà máy, chứng chỉ quốc tế cho sản phẩm, cho đến việc thiết kế quy trình sản xuất dựa trên vòng đời sản phẩm.
Chia sẻ điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Secoin nhấn mạnh "một doanh nghiệp đơn lẻ có thể chưa tạo ra sự thay đổi lớn. Nhưng khi nhiều doanh nghiệp cùng hành động theo cùng một định hướng, hiệu ứng cộng hưởng sẽ xuất hiện. Chính sự tham gia đồng bộ của cộng đồng doanh nghiệp mới có thể tạo nên chuyển biến thực sự trong phát triển bền vững".
Nhìn nhận chuyển đổi xanh vẫn đang là một thách thức lớn đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc, SolarBK Group chỉ rõ: phần lớn SME thường có tâm lý e ngại khi nhắc đến chuyển đổi xanh, chủ yếu do lo ngại chi phí đầu tư ban đầu và giá thành sản phẩm sẽ đội lên”.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, nếu nhìn dài hạn, khoản đầu tư cho chuyển đổi xanh là cần thiết và mang tính quyết định. “Chi phí ban đầu có thể cao, nhưng giá trị lâu dài không chỉ nằm ở lợi nhuận mà còn ở khả năng duy trì hoạt động ổn định, thích ứng với các yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, đặc biệt là quốc tế.”
Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tự tin bước vào hành trình này, bà Quỳnh cho rằng cần có thêm các cơ chế hỗ trợ cụ thể từ nhiều phía, trong đó có cả về chính sách và các hiệp hội ngành nghề cũng nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin, tư vấn và kết nối nguồn lực
“Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững không phải là đặc quyền của các “ông lớn”. Đây là con đường dành cho tất cả doanh nghiệp”, bà Quỳnh nói.