May 08, 2025 | 14:50 GMT+7

Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế, lựa chọn công nghệ, thiết bị

Hằng Anh -

Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã có các quy định thể chế hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” như: áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 8/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ, và môi trường Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng thời thảo luận về nội dung này.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát, thể chế hóa một số chủ trương của Đảng liên quan đến các lộ trình cấm sử dụng hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân cấp phân quyền trong quản lý hóa chất.

DỰ KIẾN SẼ YÊU CẦU DỰ ÁN ÁP DỤNG TỐI THIỂU 1 NGUYÊN TẮC HÓA HỌC XANH

Liên quan đến nội dung trên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật đã có một số quy định nhằm thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” tại Kết luận số 36-KL/TW như: Quy định về quản lý hoạt động hóa chất; quy định khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, tồn trữ hóa chất tới khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt (Điều 37). Các quy định nêu trên nhằm hạn chế tối đa tác động xấu của hóa chất tới nguồn nước.

Dự thảo Luật cũng đã có các quy định thể chế hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” như: áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị (điểm d khoản 2 Điều 7).

Tại Điều 7 dự thảo Luật quy định chủ đầu tư dự án hoá chất có nghĩa vụ áp dụng nguyên tắc hoá học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị; việc áp dụng các nguyên tắc hoá học xanh là một nội dung được bổ sung trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc tài liệu tương đương.

Áp dụng nguyên tắc hóa học xanh trong thiết kế, lựa chọn công nghệ, thiết bị - Ảnh 1

Bên cạnh đó, bộ nguyên tắc hóa học xanh sẽ được Chính phủ quy định cụ thể làm cơ sở để áp dụng trong thiết kế, quy trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các hóa chất nguy hiểm, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện.

Dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 7, theo đó giao Chính phủ quy định chi tiết về dự án hoá chất (trong đó bao gồm nội dung về áp dụng nguyên tắc hoá học xanh); đồng thời bỏ quy định giao cho Bộ Công Thương quy định về bộ nguyên tắc hoá học xanh (khoản 19 Điều 2). Nội dung này dự kiến sẽ được quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật theo hướng chỉ yêu cầu dự án áp dụng tối thiểu 01 nguyên tắc hóa học xanh.

Để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, dự thảo Luật quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm bao gồm hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, hóa dược, phân bón, dự án đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất… để hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn (Điều 8).

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các đối tượng chịu sự tác động để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật. Qua đó, các điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại dự thảo Luật như quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa.

Về phòng tránh sự cố hóa chất, ảnh hưởng của hóa chất đến môi trường, dự thảo Luật đã quy định tại Chương VI về an toàn hóa chất, trong đó quy định rõ các cơ sở sản xuất, tồn trữ hóa chất phải thực hiện các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm an toàn trong hoạt động hóa chất; quy định về kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đáp ứng quy định về khoảng cách an toàn, huấn luyện an toàn hóa chất.

Bên cạnh đó, tại Chương VII của dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và an toàn cộng đồng.

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT

Đối với việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá lại căn cứ, tính khả thi của quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để bảo đảm thực hiện thuận lợi, hiệu quả trong thực tiễn, bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn vệ sinh lao động; rà soát Luật Bảo vệ môi trường để tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất và ứng phó sự cố môi trường.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm rằng việc xây dựng, thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thực hiện theo quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 đã góp phần tăng cường năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các lực lượng, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố hóa chất. Các quy định của dự thảo luật đã được rà soát, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về phương án lồng ghép, tích hợp Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, việc lồng ghép, tích hợp này sẽ khó khăn do có một số sự khác nhau giữa hai kế hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, về đối tượng, theo pháp luật về bảo vệ môi trường, tất cả chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường. Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), chỉ có chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng mới phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Như vậy, việc tích hợp 2 loại kế hoạch nêu trên (nếu có) chỉ áp dụng đối với chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân hoạt động tồn trữ hóa chất nguy hiểm vượt ngưỡng.

Về phạm vi của kế hoạch ứng phó sự cố môi trường là rất lớn, có thể rộng hơn phạm vi của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Trên thực tế, tại các cơ sở hoạt động hóa chất có thể xảy ra sự cố môi trường mà không bắt nguồn từ sự cố hóa chất (ví dụ như sự cố vỡ đập bãi xỉ thải của Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem). Do đó, khi tích hợp 02 loại kế hoạch nêu trên, cơ quan chuyên môn về hóa chất sẽ phải tiến hành thẩm định các nội dung về ứng phó sự cố môi trường là chưa thực sự phù hợp và có thể làm hạn chế chất lượng thẩm định.

Về yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật, chuyên môn sâu về hóa học, kỹ thuật hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và bảo vệ an toàn lao động khi xử lý các sự cố liên quan đến hóa chất.

Trong khi đó, để thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đòi hỏi kiến thức, kỹ năng không chỉ liên quan đến hóa chất mà còn trong các lĩnh vực khác như khôi phục hệ sinh thái, xử lý ô nhiễm môi trường, xem xét các tác động khác như tiếng ồn, khí thải và phân tích tác động lâu dài đối với môi trường.

Việc tích hợp hoặc lồng ghép giữa hai kế hoạch này có thể dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chi tiết, chuyên môn sâu của từng kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng công tác ứng phó và phòng ngừa. Với phân tích nêu trên, ỦY ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật, ông Huy thông tin.

 
Để bảo đảm không chồng chéo với khái niệm “dược” là thuốc và nguyên liệu làm thuốc, khoản 10 Điều 2 dự thảo Luật đã chỉnh lý như sau: “Sản phẩm hóa dược là hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc và nguyên liệu làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được tạo ra từ quá trình hóa học, quá trình chiết xuất hợp chất thiên nhiên, quá trình công nghệ sinh học”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8, dự án về sản phẩm hóa dược sẽ là đối tượng được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate