Sự trỗi dậy của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đã đưa Vn-Index hồi phục mạnh kể từ khi thiết lập đáy vào ngày 16/11 khi thị trường bục 900 điểm. Tính chung trong vòng tháng 11, khối ngoại mua ròng 16.000 tỷ đồng gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một tháng gom ròng kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong khi những năm và những tháng trước đó nhóm này bán miệt mài. Dòng tiền của khối ngoại đã phần nào kích hoạt tâm lý của nhà đầu tư trong nước, thanh khoản thị trường cải thiện mạnh thời gian gần đây có những phiên gấp đôi so với trước đó khi đạt ngấp nghé ngưỡng 1 tỷ USD.
Xu hướng mua bán của nhà đầu tư nước ngoài cũng thay đổi khi chuyển từ đầu tư dài hạn sang lướt sóng mạnh mẽ thời gian gần đây. Nhiều quỹ ngoại mua vào bán ra cổ phiếu liên tục khiến nhà đầu tư cá nhân cũng phải "sốc".
Nhận định về xu hướng mua bán của khối ngoại, ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty cổ phần FIDT, chuyên gia chứng khoán nhấn mạnh, sự không ổn định về nguồn vốn đã khiến một số quỹ ngoại phải “lướt nhiều hơn” để cân đối danh mục. Hiện tại, giao dịch của cá nhân mua bán chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường, tầm quan trọng của khối ngoại đã không còn nhiều như trước nữa nên nhà đầu tư không nên xem biến động giao dịch của khối ngoại làm chỉ báo quyết định mua bán.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tục giải ngân mua ròng với giá trị 16.000 tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về xu hướng mua bán của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây?
Định giá thị trường hiện vẫn ở vùng rẻ trong 8 năm qua nên giai đoạn này rất phù hợp để đầu tư dài hạn. Về hành động liên tục giải ngân mua ròng của khối ngoại là phù hợp đối với tầm nhìn của quỹ đầu tư nếu nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn sáng trong 5 năm tới và định giá thị trường đang rẻ. Ngoài ra, xu hướng mua ròng mạnh mẽ của ngoại khối còn được hỗ trợ từ các quỹ ETF Fubon, ETF DC, ETF VanEck khi các ETF này bắt đầu hút ròng trong tháng 10 và 11.
Ngày 23/11, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4, chi tiết của đợt huy động vốn bổ sung lần này là 333 triệu CCQ, tương đương 5 tỷ Đài tệ. Số này tương đương 160 triệu USD hay khoảng 4 nghìn tỷ VND. Ngay sau đó Ngân hàng Trung Ương Đài Loan cũng đã chấp thuận việc huy động vốn của Quỹ này ngày 29/11/2022. Dòng vốn này sẽ chảy vào ngay lập tức sau khi huy động và sẽ giải ngân ngay từ tuần này. Đây sẽ là một nguồn vốn ngoại quan trọng hỗ trợ thị trường đầu tháng 12. Theo thống kê, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF chuyên đầu tư vào VN30, quỹ sẽ giải ngân vào các cổ phiếu large cap.
Trong khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại bán ròng mạnh, vì sao có hiện tượng này?
Trong tháng gần nhất, cá nhân trong nước đã bán ròng hơn 19 nghìn tỷ và mua đối ứng chính là ngoại khối, tổ chức trong nước và tự doanh.
Có thể thấy giai đoạn vừa qua thị trường liên tục điều chỉnh mạnh dẫn đến làn sóng bán giải chấp cổ phiếu của nhà đầu tư cá nhân (nhóm nhà đầu tư thường xuyên sử dụng đòn bẩy) diễn ra mạnh mẽ, ngay cả các cổ phiếu của lãnh đạo công ty cũng bị giải chấp. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu suy giảm liên tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gây nên hiện tượng bán tháo trên diện rộng.
Xu hướng mua bán của khối ngoại cũng khác trước khi chuyển sang lướt sóng nhiều hơn là tích lũy. Nhà đầu tư cá nhân nên xem đây là chỉ báo để giao dịch theo không, thưa ông?
Đúng là trước đây khối nhà đầu tư nước ngoài được coi là nhân tố tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư trong nước. Trên thực tế, nhóm đầu tư này tại các quốc gia khác luôn được chú ý và săn sóc kỹ, vì dòng vốn không nhỏ và khả năng dẫn dắt thị trường của họ. Trước khi giải ngân tiền vào thị trường họ sẽ thực hiện công tác nghiên cứu rất kỹ về một cổ phiếu hoặc một nhóm cổ phiếu có ý định đầu tư, trong khi đó không ít nhà đầu tư sẽ ra quyết định dựa trên dòng tiền được cho là “thông minh”, nên quyết định của khối ngoại thường được đánh giá cao.
Đó là cho đến khi nhà đầu tư cá nhân “áp đảo” về giá trị giao dịch trên sàn từ giữa năm 2021, giao dịch của cá nhân mua bán chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường, tầm quan trọng của khối ngoại đã không còn nhiều như trước nữa.
Kể từ khi Fed liên tục tăng lãi suất thì nhu cầu rút vốn của khối ngoại (redeem) gia tăng và nhiều quỹ ngoại phải liên tục bán ra cổ phiếu để trả tiền cho nhà đầu tư. Và việc này vô tình khiến nhiều quỹ phải mua bán nhiều hơn nhằm cân bằng tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục, đáp ứng nhu cầu rút vốn trong ngắn hạn. Sự không ổn định về nguồn vốn cũng khiến một số quỹ “lướt nhiều hơn” để cân đối danh mục.
Góc độ cá nhân tôi cho rằng nhà đầu tư không nên xem biến động giao dịch của khối ngoại làm chỉ báo mà chỉ nên lấy đó nhằm tham khảo cho chiến lược đầu tư của cá nhân mình. Xét theo góc độ giao dịch các bên, tôi cho rằng nên xem xét giao dịch tất cả các bên như nhà đầu tư tổ chức, tự doanh bên cạnh giao dịch của khối ngoại. Và điều tiên quyết nhất khi bước vào đầu tư là phải có cho mình một chiến lược và kỳ vọng cụ thể.
Vấn đề của thị trường thời gian qua là thanh khoản. Theo ông làm thế nào để thu hút dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán?
Muốn trả lời câu hỏi này ta phải hiểu thật rõ vấn đề thanh khoản hiện tại là gì? Thị trường đã qua thời điểm khó khăn nhất nhưng với tôi sự tắc nghẽn thanh khoản vẫn chưa thể giải quyết trong tháng 12 khi áp lực lãi suất vẫn còn cao, nhà đầu tư rõ ràng có những kênh tốt hơn từ các tài sản đầu tư theo lãi suất cố định. Ngoài ra, môi trường lãi suất cao kéo dài còn khiến triển vọng kinh tế và triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp kém đi khiến kênh đầu tư chứng khoán kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, mối lo từ trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các bê bối trên thị trường vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư đang chờ đợi các biện pháp hỗ trợ giải quyết rõ ràng hơn từ phía Chính phủ.
Tóm lại để thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư quay trở lại theo tôi thứ nhất, lãi suất cần phải điều chỉnh ở mức thấp để giảm áp lực trả nợ cũng như thu hút nhà đầu tư vào kênh đầu tư chứng khoán nhiều hơn thay vì các tài sản đầu tư theo lãi suất cố định. Thứ hai, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề bất cập như trái phiếu, bất động sản để một phần tạo niềm tin cho thị trường, một phần cải thiện nội tại doanh nghiệp.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng phải cải thiện khả năng quản lý tài chính và chú trọng hơn vào việc công bố thông tin đầy đủ và kịp thời đến nhà đầu tư. Qua đó tạo dựng được niềm tin từ phía nhà đầu tư, thanh khoản cũng sẽ tăng trở lại, kết hợp với đó là sự ổn định sẽ khiến các công ty chứng khoán cấp margin cao hơn cho các nhà đầu tư.