Khoảng 17% tổng giá trị giao dịch của HoSE hôm nay là dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Tuy nhiên riêng phiên chiều thì thị phần của khối ngoại lên tới gần 27%. Lực cầu này là sự bổ sung kịp thời khi dòng vốn trong nước có tín hiệu chững lại, nhờ đó kéo ngược thị trường đi lên cao hơn.
VN-Index vài phút đầu phiên chiều đã rơi qua tham chiếu, nhưng sau đó phục hồi liên tục và đóng cửa mức cao nhất ngày, tăng 16,26 điểm tương đương 1,58% so với tham chiếu.
Chiều nay thanh khoản chung trên hai sàn niêm yết chỉ nhỉnh hơn phiên sáng khoảng 1,5%, đạt 7.771 tỷ đồng. HoSE giao dịch kém, chỉ tăng 1,4%, đạt 7.223 tỷ đồng, trong đó khối ngoại giải ngân 1.943,6 tỷ đồng.
Dù thanh khoản không lớn, nhưng khối ngoại lại là bên có quan điểm mua quyết liệt. Nhóm này xuống tiền toàn các blue-chips và tạo sức đẩy tích cực. Thống kể trong rổ VN30 có 21/30 mã tăng giá so với phiên sáng chỉ 6 mã bị tụt giá. Đó là chưa kể tới KDH, NVL và PDR vốn đã kịch trần từ sáng tức là không thể tăng cao thêm được.
Khối ngoại mua cổ phiếu trong nhóm VN30 hôm nay tới 1.877,3 tỷ đồng, tức là trên 30% giao dịch của cả rổ. Mức mua ròng đạt 1.408,3 tỷ đồng. Những cổ phiếu được mua cực nhiều là HPG với 466,4 tỷ đồng ròng, giá tăng 5,75%; VHM mua ròng 252,5 tỷ, giá tăng 2,64%, VIC với 129,6 tỷ, giá đảo chiều từ giảm sang tăng 0,29% lúc đóng cửa; SSI +120,7 tỷ giá tăng 1,58%; MSN +114,4 tỷ giá tăng 3,03%; STB +92,1 tỷ giá tăng 1,27%, VCB +51,5 tỷ giá tăng 1,5%...
Nhiều cổ phiếu blue-chips biến động tăng mạnh chiều nay so với buổi sáng. HPG tăng tới 5,44% so với giá chốt phiên sáng, MSN tăng thêm 3,13%, POW tăng 3,1%, SSI tăng 3,22%, TPB tăng 4,26%, STB tăng 3,36%, VHM tăng 2,83%, TCB tăng 2,78%...
Một điều dễ thấy là nếu như dòng vốn ngoại ngày càng chiếm tỷ trọng cao lên trong khi thanh khoản chung không tăng, nghĩa là dòng vốn trong nước có tín hiệu suy giảm. Đó có thể là một tín hiệu cần quan tâm, nhưng với diễn biến giá vẫn tăng mạnh trong buổi chiều và về cuối phiên cũng đồng nghĩa với áp lực bán chưa xuất hiện nhiều. Nhà đầu tư trong nước có thể tăng mức độ thận trọng, còn nhà đầu tư nước ngoài cứ thoải mái giải ngân.
Mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay cũng có cải thiện khá nhiều. Cụ thể, độ rộng của VN-Index đóng cửa là 350 mã tăng/105 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng mới là 228 mã tăng/167 mã giảm. Số mã kịch trần từ 16 tăng lên 35. Số mã còn lại tăng trên 1% là 168, so với 103 mã buổi sáng.
Nhóm VN30 kết phiên cũng đảo ngược hoàn toàn, với 25 mã tăng/5 mã giảm. Nhóm ACB giảm 0,23%, VNM giảm 0,24%, PLX giảm 0,34%, CTG giảm 0,55% và GAS giảm 1,61% cũng không tác động nhiều lên chỉ số.
Với 35 mã kịch trần, nhóm bất động sản vẫn chiếm ưu thế với BCG, LCG, HDG, ITA, HPX, KDH, DRH, QHC, NVL, PDR, DXG, DIG... Chỉ số đại diện nhóm bất động sản sàn HoSE là VNREAL tăng 2,53%, mạnh nhất trong các chỉ số nhóm ngành. Điều này cũng hợp lý vì các mã bất động sản giảm quá nhiều thời gian quan, chịu tác động cả từ áp lực giải chấp chéo lẫn ảnh hưởng tâm lý liên thông từ thị trường bất động sản. Do đó khi các áp lực ngắn hạn suy giảm, mức rớt giá sâu lại tạo được lòng tham lớn.
Dòng vốn trong nước suy yếu cũng có một phần lý do là nhiều cổ phiếu nóng được ưa thích đang mất thanh khoản không mua được. Tuy nhiên lúc này vai trò của nhà đầu tư nước ngoài quá nổi bật, giải ngân rất lớn và liên tục. Đây là sự bù đắp đủ mạnh cho dòng vốn trong nước co lại, đồng thời tạo sức mạnh tâm lý cho nhà đầu tư cầm cổ.