November 29, 2023 | 08:05 GMT+7

CII nhận gần 7.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Hà Anh -

Ngân hàng Vietcombank sẽ tài trợ số tiền 6.942 tỷ đồng cho dự án nói trên. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE) thông báo Vietcombank là nhà tài trợ tín dụng cho Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo đó, CII vừa cho biết UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận thay đổi nhà tài trợ tín dụng cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Qua đó, Ngân hàng Vietcombank sẽ tài trợ số tiền 6.942 tỷ đồng cho dự án nói trên. Dự án được thực hiện theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.

Trước đó, ngày 23/10/2023, Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII (một công ty con của CII) đã được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chính thức nắm giữ 89% cổ phần phần tại Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuân, doanh nghiệp thực hiện Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Giai đoạn 1 theo hình thức họp đồng BOT (dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận).

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. Dự án đã đi vào vận hành khai thác từ quý 3/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính khoảng 6,3% và lộ trình tăng giá vé như được quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng.

Mới đây, CII cho biết đang đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất các dự án thu phí đường bộ (BOT) mới với tổng quy mô gần 75.000 tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2030.

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với 22.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, CII sở hữu 89%. Khi thực hiện giai đoạn 2, tuyến đường sẽ được mở rộng thêm 4 làn xe, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ngoài ra còn có dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.HCM (quận 12, Tân Bình, Hóc Môn) với hơn 19.000 tỷ đồng. Theo sau là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (Bình Chánh) với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ khác là nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) với hơn 10.100 tỷ đồng.

Hai dự án còn lại có vốn đầu tư khoảng 6.600 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đều ở huyện Bình Chánh. Lần lượt là dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Về kết quả kinh doanh, CII báo lãi quý 3 đạt hơn 96 tỷ tăng 44,5 tỷ so với cùng kỳ. Lý giải lợi nhuận tăng, CII cho biết do tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động kinh doanh các dự án BOT và lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 214 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ lãi 852 tỷ đồng.

Cũng tính đến 30/9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm từ 2.449 tỷ xuống còn gần 2.442 tỷ đồng

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate