Tại hội thảo “Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đã có những chia sẻ về tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo bà Phương, trong tháng 12/2022, thị trường có khoảng 42,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 19.287 tỷ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo); tổ chức tín dụng là 9.828 tỷ đồng; doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỷ đồng, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỷ đồng .
Ngoài ra, trong năm 2023, khối lượng đáo hạn cả năm là 282,167 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 1/2023, dự kiến đến hạn 35,9 nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ thêm, bà Phương cho biết, nhìn chung toàn thị trường, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng giảm trong thời gian qua. Cụ thể, quý 1 đạt 134,8 nghìn tỷ đồng; quý 2 đạt 122,4 nghìn tỷ đồng; quý 3 đạt 65,9 nghìn tỷ đồng; tháng 10 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng; tháng 11 đạt 1,8 nghìn tỷ đồng.
Luỹ kế từ đầu năm đến 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành. Tính đến ngày 25/11/2022, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.
Về cơ cấu nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là các nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, sở hữu lần lượt 45,3% và 23,91% tổng khối lượng phát hành. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm 9,44% tổng khối lượng phát hành.
Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng cho biết hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.
Với số liệu trên, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán đánh giá thị trường trái phiếu thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý, cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư...
“Thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn. Thực tế, tại cuộc họp với Bộ Tài chính ngày 23/11/2022, các doanh nghiệp và công ty chứng khoán cũng nhận định thanh khoản là một trong các vấn đề chính dẫn đến khó khăn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”, bà Phương nhấn mạnh.
Được biết, dựa vào công bố thông tin của doanh nghiệp, từ tháng 10/2022 đến nay, thị trường chưa ghi nhận trường hợp thông báo chậm trả gốc trái phiếu. Tuy nhiên, đã có 5 doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi với số tiền 471,5 tỷ đồng.
Chi tiết các doanh nghiệp chậm trả lãi gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai với 5,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Định là 10,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Trung Nam là 128,9 tỷ đồng; Công ty Hoàng Anh Gia Lai là 302,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Đức Việt là 24,1 tỷ đồng.