Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố số liệu về trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, riêng trong tháng 11/2022, có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận với giá trị 1.934,7 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập doàn Masan là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong tháng 11 với 1.700 tỷ đồng, ngoài ra còn có 4 đợt phát hành đến từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần BIDV, Công ty Cổ phần Đầu Tư Đức Trung và Công ty Cổ phần City Auto.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty Cổ phần Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD, 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 420 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 242.865 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
Xét về cơ cấu, nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. VBMA cho biết, trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Trong diễn biến gần nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 diễn ra đầu tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác.
Các tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.