December 01, 2022 | 20:00 GMT+7

Thực hiện nhiều giải pháp để lấy lại "bức tranh tươi sáng" cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, để đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở lại vận hành một cách bình thường và nhịp nhàng, các thành viên phải cùng nhau thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo Thứ trưởng, các khó khăn này biểu hiện qua việc khối lượng phát hành trái phiếu thời gian qua có xu hướng giảm. Thống kê của Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 25/11/2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 331.000 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hiện tượng mua lại trái phiếu trước hạn cũng có xu hướng gia tăng. Tính đến ngày 25/11/2022, tổng khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 161.000 tỷ đồng, bằng 114% tỷ lệ mua bán năm 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng thừa nhận rằng niềm tin của thị trường giảm sút bởi một số vụ việc vi phạm từ doanh nghiệp phát hành và các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.

"Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp gặp khó khăn khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn là bức tranh tươi sáng, mà là gam màu trầm", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu một số giải pháp mà Bộ Tài chính đang đề xuất.

Thứ nhất, về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ vừa qua đã ban hành Nghị định 165 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 153. Nghị định 165 ra đời đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trước tình hình thị trường diễn biến nhanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải rà soát ngay, kể cả Nghị định 165 vừa mới ban hành, để nếu có vấn đề gì, tình hình biến đổi như thế nào và cần bổ sung hoặc thay đổi thì phải thực hiện ngay. Bộ Tài chính đang khẩn trương để trình Chính phủ xem xét giải quyết trong tháng 12.

“Với những giải pháp đó, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần ổn định và đưa các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và để thị trường phát triển, vận hành một cách bình thường trở lại”, ông Chi nhấn mạnh.

Thứ hai, giải pháp từ phía các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp có khó khăn khi thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì cần có phương án thỏa thuận với các nhà đầu tư, trách nhiệm phải thực hiện bằng mọi cách, bằng mọi giá, hết khả năng của mình.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo quy định, chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho các nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thứ ba, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp khác, phối hợp với các cơ quan có liên quan của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông…

"Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các nhà đầu tư thì các doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết và để thực hiện điều đó phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa thị trường trái phiếu trở lại vận hành một cách bình thường và nhịp nhàng. Khi đó thì cả quyền lợi của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc, chúng ta có một thị trường tiếp tục ổn định và phát triển an toàn", ông Chi nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate