Trong văn bản phát đi ngày 6/12, Bộ Tài chính phản hồi trước lo ngại việc yêu cầu các cây xăng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng gây lãng phí và ách tắc tại các cây xăng.
Gần đây, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai có văn bản gửi các cơ quan chức năng bày tỏ khó khăn trong việc xuất hóa đơn điện tử bán lẻ cho người mua. Bởi tại một trạm xăng dầu, mỗi trụ bơm sẽ phải đầu tư cho hệ thống xuất hóa đơn điện tử tốn khoảng 30 triệu đồng.
Theo tính toán, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 500 doanh nghiệp với khoảng 2.000 trụ bơm, số tiền đầu tư vào khoảng 60 tỷ đồng, chưa kể nhân lực điều hành cần được đào tạo, hệ thống phần cứng, phần mềm. Trong khi đó, mức chiết khấu cho mỗi lít xăng quá thấp, nhiều thời điểm chỉ 100 - 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng nên các doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng. Ngoài ra, tại khu vực vùng sâu vùng xa, đường truyền tải mạng không ổn định, hạ tầng công nghệ yếu cũng khó khăn khi thực hiện.
Do đó, hiệp hội này đề xuất doanh nghiệp chuyển đổi có lộ trình từ 1 - 2 năm.
Về vấn đề này, một lần nữa Bộ Tài chính nhấn mạnh quy định các công ty kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử: “1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”
Bên cạnh đó, việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng được quy định tại điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ: “i) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”...
Như vậy, quy định các công ty kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể tại nhiều văn bản.
"Đối với hóa đơn điện tử bán xăng đầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng", Bộ Tài chính lưu ý.
Đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập hóa đơn điện tử với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định.
Đối với khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu, không cần thông tin người mua.
"Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định. Hóa đơn điện tử được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu".
Bộ Tài chính.
"Việc lập hóa đơn điện tử là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn điện tử đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu", Bộ Tài chính khẳng định.
Cũng theo cơ quan này, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn.
Bộ Tài chính dẫn chứng thực tế thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho thấy việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được hóa đơn về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu.
Đối với khách hàng không kinh doanh, không có nhu cầu lấy hóa đơn, hệ thống ứng dụng phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn. Đồng thời, lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử từng mặt hàng bán trong ngày.
"Việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 01/7/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu", Bộ Tài chính khẳng định.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Cơ quan quản lý đề nghị chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quán triệt đầy đủ, kịp thời quan điểm, nhận thức về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt là quy định về lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
"Đây là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương", văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh. Vì vậy, chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp.