April 22, 2025 | 18:00 GMT+7

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong thu hút đầu tư nước ngoài

Ls Nguyễn Hoàng Chương (*) - Ls Đặng Diệu Phương (**)

Trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI), môi trường đầu tư đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định của các nhà đầu tư. Việc tạo dựng một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sẽ tạo động lực lớn để họ rót vốn mà một trong những yếu tố và điều kiện hình thành môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch là cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng và nhanh chóng...

Cơ chế giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, mà trong đó, trọng tài thương mại là cơ chế phù hợp, có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh minh họa
Cơ chế giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, mà trong đó, trọng tài thương mại là cơ chế phù hợp, có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng chậm lại, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng thu hút vốn FDI với số vốn FDI năm 2024 đạt mức cao kỷ lục, gần 25,35 tỷ USD.

Trong năm 2025, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu và tiếp tục tăng trưởng trong việc thu hút nguồn vốn FDI, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang tiến hành các cải cách mạnh mẽ về hành chính, thể chế, môi trường đầu tư trong nước. Để đạt được mục tiêu này, việc tạo ra một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và thuận lợi là yếu tố then chốt.

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống tại Việt Nam là tòa án, dù đã được cải thiện gần đây ngoài các tòa chuyên trách còn bổ sung thêm tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, về sở hữu trí tuệ và về phá sản; nhưng do số lượng vụ án lớn, việc đảm bảo các yếu tố đặc thù của tranh chấp kinh tế như giải quyết nhanh chóng, đạt hiệu quả cao và bảo mật thông tin vẫn còn là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống tòa án.

Vì vậy, trọng tài thương mại, với những ưu điểm vượt trội như tính bảo mật, trình tự tố tụng linh hoạt (đơn giản, nếu lựa chọn theo thủ tục rút gọn) và khả năng thi hành cao khi có thể được công nhận và thi hành tại hơn 170 quốc gia, luôn được các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng, lựa chọn và trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. So sánh với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tố tụng tòa án, Trọng tài Thương mại không những tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mà còn bảo vệ bí mật kinh doanh, tính khả thi khi thi hành tại nước ngoài.

Mặc dù Việt Nam gia nhập Công ước New York 1958 tương đối sớm (từ năm 1995), nhưng cho đến hiện nay cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam chưa thực sự phát triển theo đúng tiềm năng. Theo văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về thủ tục tố tụng trọng tài là Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 và hiện nay là Luật Trọng tài thương mại 2010, thì cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tuy ngày càng phổ biến, nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Việt Nam hiện có gần 50 trung tâm trọng tài được thành lập nhưng số trung tâm thực chất hoạt động chỉ là một phần nhỏ trong số này và các vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài chiếm chưa tới 10% tổng số vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án.

Các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, đặc biệt nếu một bên không có hiện diện thương mại tại Việt Nam thì cơ quan giải quyết tranh chấp được lựa chọn sẽ là trọng tài của bên nước ngoài; hoặc nếu có thì bên Việt Nam thường chỉ có thể đề xuất một cơ quan trung lập như SIAC hay HKIAC và gần đây có thể kể thêm VIAC, VTA nếu phía nước ngoài là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự phát triển của hệ thống trọng tài tại Việt Nam chỉ mới là về lượng nhưng chưa thực sự phát triển về chất.

Bên cạnh đó, mặc dù Luật Trọng tài thương mại đã ban hành từ hơn 14 năm nay nhưng khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa thực sự tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế hay cơ chế xem xét hủy phán quyết hay công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài còn chưa thuận lợi khi việc diễn giải điều khoản “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là chưa nhất quán, dù đã có hướng dẫn từ Hội đồng Thẩm phán.

ĐỂ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TRỞ THÀNH LỢI THẾ CẠNH TRANH

Nhóm tác giả đã từng nghe câu chuyện từ một trọng tài viên có tiếng kể câu chuyện của cá nhân anh khi tham gia đàm phán một dự án lớn từ những năm 90 rằng phía nước ngoài kiên quyết lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp là trọng tài và đàm phán có nguy cơ thất bại nếu không thống nhất được điều khoản này.

Trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI), môi trường đầu tư đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định của các nhà đầu tư
Trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI), môi trường đầu tư đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định của các nhà đầu tư

Như vậy, việc thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam cần xem xét đến việc cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp và biến điều này thành thêm một lợi thế cạnh tranh khi mà Việt Nam đã có được nhiều lợi thế khác như vị trí địa lý chiến lược, nền văn hóa mở, đa dạng, nguồn nhân lực trẻ, năng động...

Để trọng tài thương mại trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả sau.

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại 2023 cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành sớm với sự xem xét, lựa chọn áp dụng luật mẫu UNCITRAL để tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, có sự rõ ràng, minh bạch đối với nội dung quan trọng là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Thứ hai, nâng cao năng lực: năng lực tổ chức, điều hành của các trung tâm trọng tài cần được tăng cường, đội ngũ trọng tài viên cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp, nâng cao khả năng tham gia các hội đồng trọng tài xem xét các vụ tranh chấp không chỉ ở trong nước mà là ở khu vực và châu lục.

Thứ ba, mở rộng hiện diện tại khu vực và hợp tác quốc tế: Trọng tài là cơ chế giải quyết tranh chấp mà các quốc gia “nói cùng một ngôn ngữ”. Vì vậy, hoạt động trọng tài thương mại không chỉ cần phát triển tại Việt Nam mà phải tăng hiện diện tại khu vực, tăng cường hợp tác với các trọng tài thương mại tại khu vực Đông Nam Á, Châu Á để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, dần nâng tầm của lực lượng trọng tài viên Việt Nam cũng như hình ảnh của các trọng tài thương mại Việt Nam trong mắt cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Cơ chế giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, mà trong đó, trọng tài thương mại là cơ chế phù hợp, có tiềm năng lớn để phát triển. Để tận dụng tối đa lợi thế của cơ chế này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực của các tổ chức trọng tài, tăng cường quảng bá và mở rộng hợp tác quốc tế; góp phần tạo nên một môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và hấp dẫn, thu hút FDI và phát triển một nền kinh tế bền vững.

(*) Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam

(**) Trọng tài viên, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam.

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2025 phát hành ngày 21/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1365

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate