Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề" "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội, nhấn mạnh đây là thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn từ thể chế và phi thể chế.
CẢI CÁCH PHẢI ĐỘT PHÁ CẢ VỀ TƯ DUY VÀ BIỆN PHÁP
Để trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, các ý kiến nhận định cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang thay đổi, cải cách thể chế không phải chỉ làm một lần mà phải thường xuyên, liên tục. Và cải cách thể chế không chỉ hướng đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như những giai đoạn trước, mà cần tạo những đột phá mạnh mẽ.

“Thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hiếu lưu ý.
Dẫn chứng, ông Hiếu cho rằng hiện nay ngoài thủ tục hành chính mà chúng ta vẫn nhìn thấy là các loại phí, lệ phí; thì chi phí tuân thủ pháp luật rất lớn như tiền sử dụng đất, ký quỹ 15-20% khi nhập khẩu một loại phế liệu… là những chi phí nhưng không được nhận diện.
Hay chi phí cơ hội với doanh nghiệp cũng rất lớn khi 1 thủ tục không hoàn thành đúng thời hạn, khách hàng và nhà đầu tư có thể huỷ hợp đồng và bỏ đi. Thậm chí, chúng ta vay tiền ngân hàng nhưng thủ tục chưa xong, trong khi đơn hàng có, nhà máy không sản xuất được… Vì vậy, theo ông Hiếu, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ.
“Áp lực hiện nay với doanh nghiệp rất lớn và ngày càng lớn, nếu cải cách chỉ là “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” thì không đạt kết quả, mà phải đột phá, phải cải cách mạnh mẽ”, ông Hiếu nhấn mạnh..
Nhắc lại bài học rất lớn từ Luật doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng Luật doanh nghiệp 2020 không phải là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mà là cải cách mang tính đột phá cả về tư duy và biện pháp. Bởi trước năm 2000, thủ tục thành lập doanh nghiệp kéo dài từ 6 tháng, nhưng thực tế khảo sát cho thấy kéo dài 2-3 năm, có những vụ việc Hội đồng Bộ trưởng cho phép sau đó mới đi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
“Tư duy hồi đó là doanh nghiệp chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép. Chi phí khi đó tính bằng cây vàng. Nên 10 năm chỉ có 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập và tồn tại”, ông Hiếu dẫn chứng.

Đến khi Luật doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực thì không phải là cải thiện mà cải cách, thay đổi tư duy. Lúc này doanh nghiệp thành lập là không phải cho phép, mà là đăng ký với Nhà nước và Nhà nước có nghĩa vụ phải thừa nhận việc đó. Và thủ tục thành lập doanh nghiệp giảm xuống, chỉ còn có 15-30 ngày.
Hơn nữa, trước đây tính thời gian làm thủ tục là “kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ”- có nghĩa không có ngày khởi đầu, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 đột phá là “kể từ ngày nhận hồ sơ” – tức là trong vòng 30 ngày kể cả điều chỉnh hồ sơ cũng phải giải quyết cho người dân.
“Tư duy hoàn toàn thay đổi, bãi bỏ 160 giấy phép”. Kết quả, chỉ 10 năm sau khi Luật doanh nghiệp ra đời, đã thổi bùng lên ngọn lửa khí thế kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập chỉ trong 5 năm (từ 2020-2025) đã gấp 10 lần số lượng doanh nghiệp 10 năm trước đó, tạo nền tảng để có lực lượng doanh nghiệp đông đảo như ngày hôm nay.
“Như vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy, chứ không phải là sửa chữa”, ông Hiếu nhấn mạnh; đồng thời kiến nghị ưu tiên bãi bỏ những quy định, văn bản, Nghị định và luật không phù hợp, không cần thiết.
THÀNH LẬP CƠ QUAN GIÁM SÁT VÀ THÚC ĐẨY CẢI CÁCH THỂ CHẾ
Theo ông Hiếu, nếu cải cách xuất phát từ sự chủ động từ các Bộ ngành thì chưa thấy có thực tiễn. Mà cải cách phải từ bên ngoài vào và áp đặt từ trên xuống.
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách từ các quốc gia khác, ông Hiếu cho rằng các nước trong quá trình cải cách giai đoạn đầu đều thành lập một cơ quan chuyên môn thuộc Chính phủ nhưng có thẩm quyền trình. Cơ quan này có chuyên môn, độc lập và có thẩm quyền nhằm giám sát và thúc đẩy cải cách.
Đơn cử như ở Úc gọi là Uỷ ban đặc biệt, Hàn Quốc gọi là Uỷ ban Tổng thống về cải cách thể chế, nước Anh là Hội đồng chịu trách nhiệm về thể chế, ở Mỹ là Văn phòng thông tin về cải cách thể chế. Những đơn vị này đều có thẩm quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng và chủ động đề xuất những cải cách.
Từ thực tế đó, ông Phan Đức Hiếu đề xuất trong thời gian tới, trong bối cảnh kể cả cải cách và sắp xếp lại, Chính phủ phải có cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, tồn tại ít nhất 5-10 năm. Cơ quan này có chức năng chính: thẩm quyền, chuyên môn, độc lập và mạnh mẽ.
Khi cải cách thể chế trở thành văn hoá (bậc thang thứ 4 của tháp cải cách), trở thành văn hoá làm việc của các bộ ngành và công chức – không do áp lực cũng chẳng do ai yêu cầu mà vì họ mong muốn thúc đẩy, thì cơ quan này sẽ giải tán.