March 10, 2024 | 13:50 GMT+7

Có được nhận trợ cấp thất nghiệp một lần khi nghỉ việc?

Phúc Minh -

Luật hiện hành không quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, vì thế người lao động không hưởng trợ cấp dưới hình thức này, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.

Theo quy định của Luật Việc làm 2013, hiện nay, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng..

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Mức tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp đến đăng ký tình trạng việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cư trú. Nếu người lao động không đến đăng ký, thì sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Với quy trình giải quyết như vậy, cử tri cho rằng thủ tục chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi nghỉ việc còn rườm rà và phải đi lại nhiều lần, gây mất thời gian.

Vì thế, cử tri đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục để người lao động thuận lợi trong việc nhận chế độ của mình. Đồng thời, đề nghị cho phép người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần.

Phản hồi về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm, và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.

Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, sổ bảo hiểm xã hội.

Điều 52 Luật Việc làm quy định, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm.

Các trường hợp gồm: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp bất khả kháng, thì không phải thông báo tìm kiếm việc làm.

Hiện nay, người lao động có thể nhận tiền trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM hoặc bằng hình thức tiền mặt (do người lao động lựa chọn), nên không cần phải đi lại nhiều lần.

Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chỉ phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng, để cán bộ Trung tâm có những hỗ trợ kịp thời về việc làm và học nghề.

Qua đó, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, đồng thời kiểm soát được tình trạng việc làm của người lao động, tránh việc lạm dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm không quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, vì thế người lao động không hưởng trợ cấp dưới hình thức này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate