Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng (cá điêu hồng cũng là chủng giống thuộc loài cá rô phi) của nước ta trong năm 2024 đạt trên 41 triệu USD, tăng 137% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá rô phi đạt trên 27,8 triệu USD; cá điêu hồng đạt 13,2 triệu USD.
CÁ RÔ PHI TRUNG QUỐC BỊ MỸ ÁP THUẾ 150%
Thông tin tại hội thảo giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025 vừa diễn ra ở Cần Thơ, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP cho biết năm 2024, sản lượng cá rô phi trên toàn cầu đạt khoảng 7 triệu tấn. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, với sản lượng nhập khẩu hơn 178.000 tấn vào năm 2024.
Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là quốc gia xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới, và cũng là quốc gia lớn nhất cung cấp cá rô pho vào thị trường Mỹ. Từ năm 2018, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên cá rô phi từ Trung Quốc, khiến xuất khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm 40% so với năm 2015.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc năm 2024, cho thấy sản lượng cá rô phi của nước này đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó 55% số lượng dành cho xuất khẩu. Tổng khối lượng xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc năm 2024 là 479.000 tấn, tạo ra giá trị xuất khẩu 1,405 tỷ USD. Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với cá rô phi Trung Quốc, nhập khẩu 127.700 tấn trong năm 2024.
"Quý 1/2025, Việt Nam xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng đạt gần 14 triệu USD, tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 46% và thị trường Nga chiếm 13%".
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký VASEP.
Trong một tuần vừa qua, mức thuế mới 125% của Mỹ đối với Trung Quốc khiến cá rô phi chịu mức thuế 150%, vì loại cá này đã chịu mức thuế 25% từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách là Tổng thống Mỹ. Từ đây đã khiến xuất khẩu cá rô phi từ Trung Quốc sang Mỹ đã gần như ngưng trệ, tạo ra hai xu thế ngược chiều tại Mỹ và Trung Quốc.
Tại Trung Quốc hiện nay, các nhà chế biến cá rô phi ở Quảng Đông và Hải Nam đã phản ứng bằng cách cắt giảm chi phí nguyên liệu thô và giảm khối lượng mua. Mới đây, một nhà chế biến ở Quảng Đông đã ban hành thông báo cho người nuôi cá rằng bắt đầu từ ngày 9/4, giá mua cá rô phi có trọng lượng trên 500g sẽ không vượt quá 8,6 NDT/kg (1,17 USD/kg). Giá cá rô phi có trọng lượng từ 300g đến 500g cũng sẽ không vượt quá 6,6 NDT/kg, giảm 0,7 NDT/kg so với tuần trước đó.
Tương tự, một nhà máy chế biến trong khu vực thông báo rằng từ ngày 9/4, họ giảm giá mua nguyên liệu thô ít nhất 0,4 NDT/kg. Giá cá rô phi giao từ trang trại đến nhà máy là 8,8 NDT/kg cho loại cá 500–800g và 6,8 NDT/kg cho loại cá 300–500g. Giá ở Hải Nam thậm chí còn giảm mạnh hơn ở Quảng Đông, với mức giảm 1,0 NDT/kg so với tuần trước đó.
Trong khi đó, giá bán buôn cá rô phi tại Mỹ đã tăng mạnh trong tuần 15 vừa qua. “Với thuế suất 100% thì chúng tôi cũng không thể mua hàng từ Trung Quốc nữa, chứ đứng nói rằng thuế suất tới 150%. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng Chính phủ sẽ giúp ngành công nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn này", một nhà nhập khẩu cá rô phi tại Mỹ chia sẻ.
CẦN NÂNG TẦM CÁ RÔ PHI THÀNH SẢN PHẨM CHỦ LỰC NHƯ TÔM VÀ CÁ TRA
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng nhóm toàn cầu nghiên cứu phát triển thủy sản của De Heus, cho biết những ngày vừa qua, các đơn hàng đối tác Mỹ đặt nhập cá rô phi từ Việt Nam đang tăng đột biến, dấu hiệu cho thấy những thương nhân chuyên “ăn hàng” từ Trung Quốc, nay đã chuyển hướng sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Theo dự báo, thị phần cá rô phi trên thế giới có thể đạt 14,5 tỉ USD trong thời gian tới, trong khi tôm cũng chỉ đạt tối đa 25 tỉ USD. Do đó, ông Tiến cho rằng Việt Nam cần nâng tầm cá rô phi thành sản phẩm chủ lực sau tôm và cá tra.
"Chính sách phải đi trước để phát triển sản phẩm này, chứ không để sản phẩm phát triển rồi, mà chính sách mới đi sau thì sẽ có độ trễ. Ngoài ra, trong phát triển sản phẩm cá rô phi cần lấy sản phẩm đông lạnh làm trung tâm, đồng thời tăng cường chế biến sâu, đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm", ông Tiến kiến nghị.
"Phát triển ngành hàng cá rô phi phải tránh như trước đây, thích làm cái gì rồi gom đem bán, luẩn quẩn câu chuyện tự cạnh tranh trong nội tại và tự làm xấu hình ảnh con cá của chúng ta. Quan trọng nhất là tiềm năng lợi thế cá rô phi có, chúng ta phải cùng nhau bắt tay làm".
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Chuyên gia của VASEP cũng đồng tình cho rằng Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng cho việc nuôi trồng cá rô phi và đã có kinh nghiệm đáng kể trong nuôi trồng và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản như cá tra. Sự phát triển của các trung tâm sản xuất giống và đào tạo kỹ thuật cho nông dân giúp đảm bảo nguồn cung cấp giống chất lượng và kỹ thuật nuôi tiên tiến. Hiện nay, tỉnh An Giang đã trở thành trung tâm phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu, với sự hỗ trợ từ Trung tâm sản xuất giống thủy sản An Giang.
Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp", chuyên gia của VASEP khuyến cáo.
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết diện tích nuôi cá rô phi tại Việt Nam năm 2024 đạt 30.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 300.000 tấn. Sản lượng sản xuất giống cá rô phi/điêu hồng đạt 1,09 tỷ con.
Ông Luân nêu quan điểm ngay từ bây giờ sẽ cùng các hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp tính toán ngay từ đầu để làm sao liên kết, xây dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh được thị trường, tất cả các mắt xích trong chuỗi phải làm ngay từ đầu.
"Chúng tôi mong muốn đây là diễn đàn thường niên. Ngay từ bây giờ phải suy nghĩ xây dựng thương hiệu con cá rô phi Việt Nam. Chúng ta xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường. Rút kinh nghiệm từ những sản phẩm trước đây. Đây là buổi khởi động để xây dựng thương hiệu cá rô phi để có sức cạnh tranh tốt, làm sao giảm chi phí, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu đạt các tiêu chuẩn để làm trong thời gian tới”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.