VASEP cho biết trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt hơn 500 triệu USD. Với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD sang Hoa Kỳ, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1, mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam.
HOA KỲ LÀ THỊ TRƯỜNG SỐ 1 CỦA NHIỀU SẢN PHẨM THUỶ SẢN
Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu số 1 của tôm, cá ngừ, thị trường số 2 của cá tra Việt Nam. Theo VASEP, hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. Hiện đang có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường vận chuyển tới Hoa Kỳ, và khoảng 31.500 tấn hàng dự kiến sẽ xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong nửa cuối tháng 4/2024.
Theo VASEP, những ngày vừa qua, Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đã tạo hiệu ứng tích cực tức thì lên thị trường xuất khẩu thủy sản. Thời điểm này, các đơn đặt hàng thủy sản tăng đột biến, nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang tăng công suất hoạt động.
“Việc hoãn áp thuế 90 ngày đang tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài. Ngành thủy sản đang kỳ vọng vào kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hướng tới khả năng sẽ giảm được thuế đối ứng, hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%. Có thể coi đây là “thời gian vàng” để ngành thủy sản tái cấu trúc lại chiến lược thị trường”, bà Lê Hằng, Chuyên gia phân tích thị trường của VASEP, nhận định.
"Thời điểm này cũng là lúc để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu đựng”.
Bà Lê Hằng, Chuyên gia phân tích thị trường của VASEP.
Bà Lê Hằng cho rằng việc Tổng thống Donald Trump tạm hoãn thuế đối với Việt Nam mặc dù tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành, nhưng doanh nghiệp thủy sản cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu. Thuế này mới chỉ được hoãn, chưa gỡ bỏ hoàn toàn. Điều này có nghĩa rằng không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ gỡ bỏ hoặc ít nhất giảm thuế đối với Việt Nam. Chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường, thị trường xuất khẩu thủy sản không phải là ngoại lệ.
“Ngay lúc này, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Hoa Kỳ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông...", bà Lê Hằng khuyến nghị.
Tuy nhiên theo bà Lê Hằng, lạc quan mà nói, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ, là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi, một loài cá thịt trắng có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam, lớn nhất thế giới và lớn nhất cho Hoa Kỳ, nhưng đang phải chịu mức thuế kỷ lục. Do đó, sẽ là một cơ hội cho cá tra Việt Nam, nếu như cá rô phi Trung Quốc vào Hoa Kỳ quá đắt đỏ.
DOANH NGHIỆP TẠI CẦN THƠ ĐẨY MẠNH ĐA DẠNG HOÁ THỊ TRƯỜNG
Chiều ngày 14/4/2025, UBND TP. Cần Thơ tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, hiện có 22 doanh nghiệp trên địa bàn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ, với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm: gạo, thủy sản, nông sản và nông sản chế biến… Đặc biệt, ngành thủy sản, nhất là cá tra, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP. Cần Thơ cũng đang chịu sức ép không nhỏ.
Ông Phan Hoàng Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết hiện Caseamex xuất khẩu sản phẩm cá tra tới hơn 30 thị trường, trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% tổng sản lượng. Caseamex nhận định, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng bậc nhất, bởi tính ổn định và khả năng chi phối các thị trường khác.

Ông Duy phân tích, việc Hoa Kỳ áp thuế 125% cho tất cả các ngành hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gián tiếp ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam. Bởi Trung Quốc là một trong hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Trước những diễn biến trên, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch điều chỉnh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước mắt, trong thời gian hoãn áp thuế đối ứng 3 tháng, các doanh nghiệp sẽ tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng hiện có. Đồng thời, tăng cường kết nối và mở rộng sang các thị trường như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Công ty Caseamex hiện đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, kết nối lại với các đối tác cũ tại châu Âu, Canada, Brazil, Nhật Bản, Úc và một số nước châu Á. Doanh nghiệp này cũng đang áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó là điều chỉnh cơ cấu khách hàng, tập trung khai thác thị trường nội địa, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, tiết giảm chi phí và hợp lý hóa sản xuất nhằm củng cố nội lực”, ông Duy chia sẻ; đồng thời kiến nghị UBND TP. Cần Thơ xem xét hỗ trợ một số vấn đề thiết thực như giảm phí thuê đất trong khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT để cải thiện dòng tiền, hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các thị trường mục tiêu.
Với quan điểm “không bỏ trứng vào một giỏ”, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và Thủy sản tại Cần Thơ đang tìm kiếm hướng đi riêng nhằm giảm thiểu rủi ro, nếu xảy ra kịch bản xấu nhất.
Thống kê từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long), sơ bộ trong giai đoạn 2020-2025, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 80 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Khảo sát nhanh của VCCI cho thấy, có đến 84% doanh nghiệp lo ngại chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng thách thức lớn hơn nằm ở các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu xuất khẩu nông, thủy sản, những ngành đòi hỏi chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Bài toán chất lượng cần có sự phối hợp của nhiều tác nhân trong chuỗi giá trị.
Hơn hết, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào kết quả đàm phán ngoại giao từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn và bảo vệ năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.