Chuỗi giá trị toàn cầu với sự hỗ trợ của công nghệ số đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển vì chúng giúp họ dễ dàng đa dạng hóa từ hàng hóa sang hàng hóa và dịch vụ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Việc chia nhỏ quy trình sản xuất ở cấp độ toàn cầu mang lại những cơ hội mới cho sự hội nhập giữa các nền kinh tế giàu và nghèo, với những lợi ích tiềm năng cho mỗi bên.
BA XU HƯỚNG MỚI QUAN TRỌNG
Xu hướng 1: Gia tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu
Bằng cách chia nhỏ quy trình sản xuất, có thể thực hiện các bước khác nhau ở các quốc gia khác nhau thay vì một quốc gia phải làm chủ việc sản xuất toàn bộ sản phẩm sản xuất để xuất khẩu. Với chuỗi giá trị, một quốc gia có thể chuyên môn hóa một hoặc một số hoạt động mà quốc gia đó có lợi thế so sánh.
Việc tách sản xuất bắt đầu ở các nền kinh tế tiên tiến để đối phó với cạnh tranh và giảm chi phí hậu cần, sau đó lan ra toàn cầu khi các nền kinh tế lớn đang phát triển mở cửa. Mặc dù vậy, chuỗi giá trị toàn cầu cũng đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có quy mô kinh tế lớn. Đây cũng là thách thức chủ yếu hiện nay đối với các doanh nghiệp ở các nước có môi trường huy động vốn còn nhiều bất cập.
Xu hướng 2: Chiến lược doanh nghiệp thay đổi
Doanh nghiệp sẽ tập trung vào phân khúc có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm (xem hình 1) như: nghiên cứu và phát triển sản phẩm (A), thiết kế sản phẩm (B), marketing (E - thương hiệu, giá cả, bán hàng...) và dịch vụ sau bán hàng (F). Các phân khúc như sản xuất (C) và lắp ráp (D) có giá trị gia tăng thấp hơn. Vì vậy, với bối cảnh chuỗi giá trị sản phẩm đã kéo dài và mở rộng khắp toàn cầu trong quá trình hội nhập, thì các công ty đa quốc gia có xu hướng thuê lại (outsourcing) các phân khúc C và D cho các nước đang phát triển. Đây là cơ hội cho các nước đang phát triển có thể thu hút đầu tư, phát triển đối tác nhằm nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh trong chiến lược ngắn hạn và trung hạn.
Mặc dù vậy, trong chiến lược dài hạn, các nước đang phát triển và các doanh nghiệp cũng cần thiết phát triển và mở rộng tham gia vào các phân khúc A, B, E, F nhằm nâng cao hiệu quả. Trước mắt, cần phải đột phá trong phân khúc E - marketing (giá cả, bán hàng...) thông qua việc phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của mình, vì thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm công nghệ cao và ở quốc gia có thị trường tài chính phát triển.
Xu hướng 3: Cơ hội phát triển thương hiệu.
Chuỗi giá trị toàn cầu và phân khúc giá trị gia tăng đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp ở các quốc gia vốn chỉ là công xưởng sản xuất và lắp ghép có thể vươn lên các chuỗi giá trị cao hơn như xây dựng thương hiệu của riêng mình, nhằm nâng cao uy tín trong việc hợp tác đầu tư và nâng cao giá trị doanh nghiệp trong thị trường tài chính nội địa và quốc tế.
Hiện nay ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp có trên 800 nghìn doanh nghiệp (khoảng 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với loại hình phổ biến là công ty TNHH), trong đó có trên 22 nghìn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gần 900 doanh nghiệp nhà nước. Cùng với chính sách đổi mới hướng tới nền kinh kinh tế thị trường của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt đã từng bước xây dựng được những thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực sản xuất (như: điện tử, ô tô, nông sản, da giày, dệt may,…), nhằm tạo ra những giá trị gia tăng cho sản phẩm không chỉ ở cấp độ trong nước, mà cả ở cấp độ toàn cầu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước mặc dù là những doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất ra các sản phẩm phục vụ xã hội dường như cũng ngủ quên trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu do vấn đề sở hữu, độc quyền, tư duy nhiệm kỳ,… dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân cũng như sự cạnh tranh quốc gia.
Sự phát triển và liên tục đổi mới thể chế cấu trúc doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm và phục vụ hiệu quả cho người dân là một nội dung rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như góp phần hội nhập kinh tế hiệu quả. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII yêu cầu phải: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng”.
Giải pháp thực hiện
Nhằm góp phần thực hiện đường lối của Đảng và phát triển hiệu quả nguồn vốn xã hội thông qua đổi mới thể chế cấu trúc doanh nghiệp trong xu hướng thay đổi của thương mại quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất, liên quan đến công ty cổ phần: để góp phần phát triển kinh tế thị trường với chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu thì vai trò của các loại hình cấu trúc và thể chế doanh nghiệp là hết sức quan trọng, vì chỉ khi các loại hình công ty được khai thác hết tiềm năng, vận hành phù hợp thì mới có thể phát huy hết hiệu quả và khả năng của chúng. Với thực tế phần lớn các doanh nghiệp Việt đều đứng trước thách thức về quy mô kinh tế do hạn chế tiếp cận nguồn vốn, công ty cổ phần là một giải pháp hiện đại cho tổ chức kinh doanh, kết hợp các ưu điểm của sở hữu chung và quản lý chuyên nghiệp.
Một công ty cổ phần trao quyền cho các cổ đông bằng cách tập hợp các nguồn lực, hạn chế trách nhiệm pháp lý và quyền sở hữu có thể chuyển nhượng. Mô hình đổi mới này đã thay đổi cục diện kinh doanh, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng quy mô và hoạt động minh bạch.
Thực tiễn cho thấy, mặc dù ở Việt Nam số lượng còn hạn chế cũng như sự quản lý phức tạp, song công ty cổ phần là một loại hình công ty cần tập trung phát triển vì nó hội tụ nhiều ưu điểm trong nền kinh tế thị trường. Do đó, cần tăng cường quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại để phát huy nguồn lực vốn tài chính trong việc nâng cao năng suất lao động và tính công khai minh bạch cần thiết cho đổi mới phát triển...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam