Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 sẽ diễn ra ngày 8/12 với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Diễn đàn dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.000 đại biểu, trong đó có hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Việt Nam và kết nối với các điểm cầu quốc tế như là Singapore và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2019. Diễn đàn đã trở thành một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam với vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng dồng doanh nghiệp công nghệ số.
Trong bối cảnh năm 2022 với nhiều khó khăn và biến động, ngành công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước với doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 160 tỷ USD.
Diễn đàn năm 2022 tập trung trao đổi các định hướng chiến lược về phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiều chủ trương định hướng về phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm công nghệ số Việt Nam.
Đây cũng là không gian chia sẻ kinh nghiệm, bài học của các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh trong nước và khai phá thị trường nước ngoài; tạo động lực, khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xem thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài làm động lực, mục tiêu.
Cùng với đó, Diễn đàn sẽ trao đổi các giải pháp thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trong nước liên kết, hợp tác nhằm hình thành hệ sinh thái từ cái nôi trong nước khai phá thị trường nước ngoài ,để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong các điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Theo Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh năm 2022 với nhiều khó khăn và biến động, ngành công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước với doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 160 tỷ USD.
Công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, vượt thời hạn 3 năm so với mục tiêu của năm 2025.
Sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ thể hiện ở việc các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Việt Nam đảm nhận trọng trách chuyển đổi số quốc gia mà còn thể hiện thông qua việc khai phá thị trường nước ngoài.
Các doanh nghiệp đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT...
Theo thống kê Việt Nam hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp đã có sản phẩm đi ra thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.