Vẫn còn thiếu cơ chế
Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, mục tiêu đối với công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 là: bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Tuy nhiên, theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong tổng số 2.000 - 3.000 linh kiện cấu thành một chiếc ô tô, các nhà máy tại Việt Nam mới sản xuất được 256 linh kiện, phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, 13 linh kiện, phụ tùng xe trên 9 chỗ ngồi và 18 linh kiện, phụ tùng xe ô tô tải. Trong danh mục sản phẩm cũng không có sản phẩm nào thuộc các bộ phận quan trọng như hệ thống truyền động, hộp số, động cơ.
Thay vào đó, các nhóm sản phẩm được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng là ắc-quy, cản xe (ba đờ sốc), lốp xe, giá đỡ, tấm ốp, nắp đậy, băng keo, miếng đệm, ống dẫn, thảm lót... Như vậy, về mặt tổng thể, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia cung ứng các chi tiết rất nhỏ, giá trị thấp của một chiếc xe, tập trung vào lĩnh vực gia công, sơn hàn, nhựa và cao su. Đa số các sản phẩm liên quan đến công nghệ cơ khí, công nghệ phần mềm, hệ thống truyền động đều phải nhập trực tiếp từ nước ngoài.
Số liệu này cũng cho thấy tỷ lệ nội địa hóa ô tô của Việt Nam ở mức rất thấp theo định mức chung của ASEAN. Ô tô lắp ráp trong nước cũng chủ yếu phải nhập linh kiện, phụ tùng tại nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngoại trừ những “ông lớn” như THACO, Vinfast bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên ra thị trường quốc tế với số lượng chỉ từ vài chục đến vài trăm chiếc mỗi đợt, nhìn chung, xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam khó có “cửa” để cạnh tranh với các sản phẩm tương tự tại Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Lý do chính là theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các quốc gia trong khối có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi cập bến Việt Nam. Ngược lại, nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, do tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn nhiều so với quy định (khoảng 10%) nên khi xuất khẩu sang các nước ASEAN vẫn chịu thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, do phải nhập khẩu phần lớn linh kiện nên giá thành một chiếc ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực, gần như không có khả năng cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nội tại quốc gia đó.
Trước những thách thức kể trên, Việt Nam cần có một chiến lược phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Một giải pháp đã được Chính phủ đề ra đó là lựa chọn một số doanh nghiệp tiềm năng trong khu vực tư nhân làm hạt nhân thúc đẩy các quan hệ liên doanh chiến lược trong các công ty trong nước. Qua đó, xây dựng các chương trình, chính sách tạo dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích giữa các bên, đồng thời khai thác được lợi ích từ hoạt động liên doanh, liên kết. Bằng việc hỗ trợ và khuyến khích vai trò đầu tàu của hãng được lựa chọn sẽ thiết lập các cụm công nghiệp lớn, hội tụ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tiến tới hình thành các mạng sản xuất và vùng cung ứng ngay tại Việt Nam.
Chiến lược này đã được xây dựng cách đây gần 10 năm, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn phải “tự bơi” do thiếu cơ chế, hỗ trợ cụ thể. Hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều đã có mạng lưới cung ứng độc quyền của riêng mình và rất “khắt khe” trong chọn lựa nhà cung ứng mới.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm tại Việt Nam như sự kiện giới thiệu sản phẩm, hội chợ, triển lãm, mặc dù vẫn thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia, nhưng chủ yếu mang tính chất trưng bày sản phẩm, thiếu vai trò dẫn dắt của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đầu tàu.
Tín hiệu tích cực
Kể từ năm 2020, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam bắt đầu đón nhận những “tín hiệu” tích cực hơn. Doanh số ô tô toàn thị trường cũng đã liên tục tăng, đạt ngưỡng “tiêu chuẩn” 500.000 chiếc trong năm 2022. Đây là một yếu tố giúp các nhà sản xuất, nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn về thị trường ô tô Việt Nam.
Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) hiện đang sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe du lịch của Kia, Mazda, Peugeot, BMW và MINI; ngoài ra còn có nhiều thương hiệu xe tải, xe bus trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), THACO hiện đang hợp tác với gần 60 nhà cung cấp, trong đó có 12 nhà cung cấp tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng đã có 20 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Cuối năm 2022, THACO chính thức thành lập Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải -THACO INDUSTRIES, khánh thành Trung tâm Cơ khí với quy mô hàng đầu Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm R&D với quyết tâm phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hiện tại, nhiều dòng xe du lịch của hãng đã có tỷ lệ nội địa hoá từ 30-40%. Một số linh kiện, phụ tùng đã bắt đầu được xuất khẩu sang thị trường ASEAN ví dụ như cản trước của xe Kia Sorento.
Trước đó, ngày 22/9/2020, Thành Công Group đã khởi công xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô với quy mô 340 ha tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Đây là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao. Những sản phẩm của tổ hợp không chỉ cung ứng cho thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu trong tương lai gần.
Vinfast lại lựa chọn một “lối đi riêng” khi trở thành nhà sản xuất ô tô “make in Vietnam” và hướng tới xuất khẩu. Mặc dù áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu, nhà sản xuất này khẳng định, khoảng 60% linh kiện cho xe điện (không bao gồm pin) được cung ứng từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Các nhà cung cấp chính hoạt động tại nhà máy ở Hải Phòng bao gồm ZF, Forvia và Lear Corporation. Ngoài ra, Vinfast cũng đang hợp tác với khoảng 620 nhà cung cấp khác trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Honda và Toyota là hai đối tác quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong nhiều năm nay. Hai hãng xe này cũng đã thiết lập hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Theo danh mục linh kiện, phụ tùng ô tô mà Việt Nam đã sản xuất được, quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT, có 13/256 sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Honda, 226/256 sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Toyota. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đều có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Honda và Toyota tại Việt Nam.
Sau gần 3 năm triển khai, dự án hợp tác giữa Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam về tìm kiếm, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp nội địa đã đạt được một số kết quả khả quan. Theo đó, Toyota Việt Nam có 58 nhà cung cấp, trong đó có 12 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt. Tổng số linh kiện nội địa hóa khoảng 1.000. Trong số này, linh kiện có giá trị cao nhất là ghế, còn lại là những sản phẩm từ nhựa, cao su. Hiện tại, Vios vẫn là mẫu xe có hàm lượng nội địa hóa cao nhất của Toyota với tỷ lệ 40%.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được của Việt Nam. Theo danh mục này, tính đến đầu năm 2023, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 888 linh kiện, phụ tùng ô tô các loại, tăng 300% so với năm 2021. Trong đó, 689 linh kiện, phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ ngồi, 103 linh kiện, phụ tùng xe trên 9 chỗ ngồi và 96 linh kiện, phụ tùng xe ô tô tải. Dự thảo Thông tư đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô.
Trước tình hình hiện tại, bước đầu có thể thấy các hoạt động liên doanh, liên kết trong đầu tư, sản xuất, lắp ráp, phân phối sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước và với đối tác nước ngoài, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã đem lại những hiệu quả tích cực trong vài năm trở lại đây. Giới chuyên gia đánh giá các hoạt động này sẽ giúp chủ thể chính của ngành công nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội kết nối, hợp tác, tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cho thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để phù hợp với tình hình thực tế, sắp tới đây, một trong những sự kiện lớn trong lĩnh vực triển lãm của ngành ô tô sẽ quay trở lại Việt Nam đó là triển lãm Automechanika lần thứ 5, sự kiện do Tập đoàn Messe Frankfurt và mạng lưới NC Network Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện thương mại hàng đầu trong ngành ô tô này sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 23/6 tại TP.HCM.
Sau khi vượt qua khoảng thời gian khó khăn do đại dịch Covid, giới chuyên gia đánh giá đây sẽ là một trong những cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia kết nối hợp tác với các doanh nghiệp đầu tàu của Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Đức, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...