June 25, 2022 | 08:12 GMT+7

Cơ hội thu hút vốn FDI chất lượng

Hà Lê -

Khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thực tế đã tạo nên lực đẩy quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay trên thế giới, Đà Nẵng với những tiềm năng, cơ hội của mình vẫn có thể thu hút những nguồn vốn FDI chất lượng một cách hiệu quả nhất...

Đại dịch Covid-19, xung đột thương mại Mỹ, EU với Trung Quốc cũng như cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đều có những tác động điều chỉnh dòng vốn đầu tư từ các nước châu Âu, Mỹ và các nước khu vực châu Á.

Xu hướng dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần vốn FDI ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, tăng tính an toàn cho hệ thống cùng các lợi ích của mỗi quốc gia đầu tư đã và đang diễn ra.

Vì thế, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng cần khơi dậy những tiềm năng, cơ hội của mình để đưa ra những giải pháp thu hút các FDI chất lượng trong bối cảnh mới này.

BA TIỀM NĂNG LỚN HÚT FDI CỦA ĐÀ NẴNG 

Nhìn từ góc độ của các nhà đầu tư, Đà Nẵng là thành phố có ba tiềm năng lớn để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Thứ nhất, đó là tiềm năng để phát triển các hoạt động kinh tế, logistics, du lịch nhờ vào sự đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như: cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ... Đà Nẵng có thể đi ra thế giới bằng tất cả phương tiện giao thông. Cảng Đà Nẵng, cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với các trung tâm kinh tế lớn thế giới như Hồng Kông, Singapore, Malaysia…

Về đường bộ kết nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Đà Nẵng nằm trên “Con đường Di sản thế giới” trải dọc bờ biển miền Trung, gần kề với bốn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và động Phong Nha – Kẻ Bàng, nên có thể phát triển nhiều loại hình du lịch để thu hút du khách.

Hiện cảng Đà Nẵng là cảng container được trang bị hiện đại ở khu vực miền Trung và là một trong những cảng thương mại lớn nhất Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 13%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng container là 22%/năm.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện là một trong ba sân bay quốc tế lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam. Nhà ga hành khách của sân bay đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế và có công suất thiết kế 10,5 triệu hành khách/năm.

Thứ hai là tiềm năng để phát triển công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đà Nẵng có đủ dư địa đất để quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao nằm gần các khu kinh tế trọng điểm, thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Đà Nẵng hiện đã có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng mọi nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thành phố đang xây dựng thêm 3 khu công nghiệp mới bao gồm khu công nghiệp Hòa Nhơn, khu công nghiệp Hòa Ninh và khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2…và đang triển khai thêm nhiều khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao, khu kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp phần mềm, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm tài chính, Bến du thuyền, Trung tâm logistics, Khu phi thuế quan…

Mặt khác, Đà Nẵng còn là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, là một trong ba điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng trung kế đường trục quốc gia và điểm kết nối trực tiếp quốc tế. Hiện hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng rất hiện đại, liên tục dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố hiện đang tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng “thành phố thông minh”.

Thứ ba, là tiềm năng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ dân cư sống trong khu vực thành thị cao nhất nước, đạt 87,7% năm 2018. Kết quả điều tra lao động việc làm cuối năm 2019 của Đà Nẵng cho thấy có khoảng 581.400 người, chiếm 51% trên tổng dân số toàn thành phố, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tại thành phố và khu vực miền Trung. Đà Nẵng có đầy đủ các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu cũng như kết hợp đào tạo với nước ngoài để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của Đà Nẵng.

BA CƠ HỘI ĐỂ NGUỒN VỐN FDI VÀO ĐÀ NẴNG 

Hiện nay các nước phát triển đang có xu thế tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng, như Mỹ  đang xúc tiến hình thành một liên minh “những đối tác đáng tin cậy” gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”; EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược”, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài; Đức, Italia quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài; Nhật Bản dành khoản ngân sách 2,2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước và di chuyển sản xuất sang nước khác…

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn cùng nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Biden sẽ khiến nhiều công ty công nghệ Mỹ, Nhật Bản sẽ tiếp tục rời bỏ Trung Quốc. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư của các nước này có thể đầu tư đến nước khác và Việt Nam được coi là một điểm đến đáng chú ý của họ.

Hiện Đà Nẵng đang hướng các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, du lịch, năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, công nghệ thông tin, du lịch nghỉ dưỡng… Vì thế các doanh nghiệp châu Âu coi đây là cơ hội để đầu tư vào Đà Nẵng.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Tập đoàn Jardines Matheson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nói Đà Nẵng của Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của công nghiệp xanh. Các nhà đầu tư EU đang rất muốn nắm bắt các thông tin về xúc tiến đầu tư, thương mại của Đà Nẵng, đặc biệt là thủ tục đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung…

Hơn nữa, việc Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới cũng tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài chú ý, quan tâm đến thị trường Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Các FTA sẽ giúp cho họ tiết kiệm chi phí vận chuyển sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng giữa công ty mẹ ở nước đầu tư và các công ty con đặt ở các nước tiếp nhận.

Đứng trước ba cơ hội đó, Đà Nẵng đang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó chú ý đến môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistics, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cấp giấy phép đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tính minh bạch và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI là hai yếu tố quan trọng để doanh nghiệp châu Âu quyết định  lựa chọn đầu tư ở đâu. Hiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng đang rất thông thoáng, minh bạch thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Từ năm 2008 đến nay, Đà Nẵng liên tục được cộng đồng doanh nghiệp trong nước bình chọn thuộc nhóm các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate