Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) công bố trên tạp chí của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, đã "soi" vào các sản phẩm nhựa quen thuộc với chúng ta như ly/cốc dùng một lần trong các quán cà phê, tiệm đồ ăn nhanh, bình sữa trẻ em, túi trà, tấm lót chống dính khi chiên nướng...
Đặc biệt là ly dùng một lần, thường được phủ bằng một loại màng nhựa mềm dẻo gọi là polyethylene mật độ thấp (LDPE) làm lớp lót phía bên trong. Các loại ly giấy mặc dù có lớp bên ngoài là giấy nhưng bên trong vẫn có lớp lót này để ngăn thấm nước. Thông qua các phương pháp kỹ thuật phân tách và quét trên kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu phát hiện khi lớp lót LDPE khi tiếp xúc với nước ở 100 độ C trong 20 phút sẽ có hàng nghìn tỉ hạt nhựa nano vào nước.
Tương tự, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, cà phê nóng đựng trong ly mang đi có thể khiến bạn tiếp xúc với gần 1.500 hạt vi nhựa trong mỗi lần uống. Từ đó, nếu bạn uống một tách cà phê mang đi mỗi tuần một lần, nghĩa là có nguy cơ bạn tiếp xúc với khoảng 90.000 hạt nhựa có khả năng gây hại mỗi năm.
Hạt vi nhựa là bất kỳ mảnh nhựa nào nhỏ hơn 5mm, thậm chí nhỏ hơn nhiều và chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết các mảnh vi nhựa trong nghiên cứu đều có kích thước nhỏ hơn 50 micromet - khoảng đường kính của sợi tóc người. Theo Daily Mail , để phát hiện ra những hạt vi nhựa từ ly cà phê mang đi, các nhà khoa học đã xem xét ba loại cốc nhựa khác nhau - polypropylene hoặc PP, polyethylene terephthalate (PET) và polyethylene (PE).
Họ đổ 400ml nước vào ba loại ly nhựa, đậy kín bằng giấy bạc để ngăn các vi nhựa trong không khí xâm nhập vào, sau đó cầm trên tay đúng như tư thế đang rảo bước trong một phút. Quy trình này cũng được thực hiện trên cốc thủy tinh sạch, được sử dụng làm chuẩn để hiệu chỉnh khả năng nhiễm bẩn. Kết quả cho thấy số lượng hạt vi nhựa trong nước đạt từ 723 đến 1.489 hạt/ly sau năm phút.Vấn đề nữa là để một cốc càng lâu, số lượng các hạt càng lớn.
Trong ba ly thì ly polypropylene tạo ra số lượng hạt nhựa cao nhất. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tứ Xuyên, viết trên tạp chí Vật liệu Nguy hiểm cho biết: "Dựa trên kết quả, chúng tôi ước tính rằng mọi người có thể vô thức ăn 37.613 – 89.294 hạt vi nhựa mỗi năm do sử dụng một cốc nhựa khoảng 4 - 5 ngày một lần. Xem xét tác hại tiềm ẩn của vi nhựa, việc ô nhiễm vi nhựa do sử dụng ly nhựa để đựng đồ uống cần phải được xem xét nghiêm túc".
Ngoài việc gây hại, hạt vi nhựa có thể đe dọa sức khỏe do mang theo vi khuẩn có hại hoặc các hóa chất độc hại. Trong các thí nghiệm, vi nhựa được chứng minh là có thể gây ra hại cho các tế bào trong cơ thể người, bao gồm cả phản ứng ức chế và giết chết tế bào. Nhưng cho đến nay, chưa có nghiên cứu dịch tễ học nào ghi nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vi nhựa và tác động đến sức khỏe.
Thay vào đó, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào việc xác định sự hiện diện của vi nhựa trong các bộ phận khác nhau của cơ thể người. Nghiên cứu năm nay của Heather Leslie và những người khác tại Đại học Tự do Amsterdam đã tìm thấy vi nhựa trong máu người, thậm chí đã được tìm thấy trong nhau thai, trẻ sơ sinh, phổi, tim thận, não và cả sữa của người mẹ mới sinh... nhưng những tác động chưa được biết đến. Theo các nhà khoa học, điều đáng lo ngại là các chất hóa học trên bề mặt của các hạt nhỏ li ti.
Giáo sư Frank Kelly, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học Imperial College London cho biết: “Nhựa thường được phủ một lớp hóa chất khó phân huỷ. Đây là những gì chúng tôi gọi là "hóa chất mãi mãi", có nghĩa là chúng có thể tồn tại trong cơ thể người trong một thời gian dài. Đáng lo ngại nhất trong số các hóa chất này là Bisphenol A (BPA), được sử dụng để làm cứng nhựa. Để giảm thiểu các nguy cơ, tốt nhất chúng ta nên giảm số lượng các hóa chất có thể nguy hiểm mà chúng ta sử dụng trong nhựa".